menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường nông sản thế giới ngày 9/8/2010

09:53 10/08/2010

 
  
  

Ngũ cốc

Lúc đóng cửa phiên giao dịch 9/8 tại Chicgo (rạng sáng 10/8 theo giờ Việt Nam), giá lúa mì và ngô cùng giảm giá bởi triển vọng nông dân sẽ gia tăng diện tích trồng lúa mì sau khi giá lập kỷ lục cao.

Lúa mì

Trong 2 phiên giao dịch vừa qua, lúa mì kỳ hạn tháng 9 gỉam giá mạnh nhất trong vòng 18 tháng.

Lúa ì đã qua 2 phiên liên tiếp giảm giá bởi thị trường phớt lờ thông tin về triển vọng nguồn cung từ Nga sau khi nước này áp lệnh tạm thời cấm xuất khẩu lúa mì.

Lượng dự trữ lúa mì trên toàn cầu lúc này tương đối dồi dào. Do vậy, nguồn cung trước mắt chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những hợp đồng kỳ hạn xa, từ năm 2011, giá tăng mạnh bởi lo ngại nguồn cung khi đó sẽ giảm sút mạnh sau khi Nga mất mùa vụ này.

Trên thị trường Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 9 giá giảm 1,8% xuống 7,12-1/2 USD/bushel. Những hợp đồng mới giá tăng mạnh, như hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2011 giá tăng 1,6%, còn các kỳ hạn vào năm 2012 và 2013 giá còn tăng mạnh hơn thế.

Tại Paris, lúa mì kỳ hạn tháng 11 giá tham chiếu tăng 1,8% đạt 213,25 Euro.

Lượng dự trữ trên toàn cầu hiện đủ bù lại cho sản lượng giảm ở khu vực Biển Đen. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo dự trữ lúa mì thế giới niên vụ 2010/11 sẽ tăng 1/3 so với niên vụ 2007/08.

Hiện giá lúa mì đã tăng gần gấp đôi so với hồi cuối tháng 6, và ngày 6/8 đã lập kỷ lục cao của 2 năm trước khi giảm giá trở lại. Mặc dù giảm nhưng vẫn còn quá sớm để nhận định về xu hướng giá trên thị trường này.

Ngân hàng Rabobank dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2010/11 sẽ đạt 644,2 triệu tấn, so với 679,8 triệu tấn niên vụ trước đó.

Hạn hán không chỉ ảnh hưởng tới Nga mà còn tới cả Ucraina và Kazakhstan, trong khi một nước xuất khẩu lúa mì lớn khác là Canada cũng phải giảm diện tích gieo trồng vì mưa quá nhiều.

Thị trường lúc này tập trung chú ý vào những nước cung cấp khác, trong đó có Australia - nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, nơi sản lượng vụ 2010/11 được dự báo là vào khoảng 22 triệu tấn, tăng so với 21,7 triệu tấn niên vụ 2009/10. Miền Tây Australia – nơi cung cấp 40% sản lượng lúa mì toàn quốc, cũng đang bị khô hạn.

Uỷ ban Ngũ cốc quốc tế (IGC) nhận định dự trữ lúa mì thế giới có thể giảm 2,5% xuống 192 triệu tấn vào tháng 6 tới, trái với dự báo trước đây là dự trữ sẽ tăng.

Ngô

Giá ngô giảm theo xu hướng giá lúa mì, với ngô kỳ hạn tháng 9 giá giảm 2 US cent xuống 4,03 USD/bushel, trong khi kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 2 US cent xuống 4,18 USD/bushel.

Gạo

Giá gạo kỳ hạn trên thị trường Chicago kết thúc ngày 9 giảm bởi sức ép từ thị trường lúa mì.

Gạo kỳ hạn tháng 9 giá giảm 32 US cent xuống 10,61 USD/100 lb, trong khi kỳ hạn tháng 11 giảm 33 US cent xuống 10,85 ½ USD/100 lb.

Đậu tương

Không bị ảnh hưởng bởi thị trường lúa mì, giá đậu tương tiếp tục tăng phiên thứ 9 liên tiếp bởi nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc sẽ làm giảm dự trữ ở Mỹ - nước sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Mỹ đã bán 284.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc kỳ hạn giao sau tháng 9.

Trên thị trường Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 5,25 cents, hay 0,5% lên 10,39 USD/bushel. Giá đã tăng 7% trong 8 phiên giao dịch trước đây.

Ngày 5/8, hợp đồng giao dịch mạnh nhất giá đạt 10,49 USD/bushel, cao nhất kể từ 7/1, sau khi hạn hán buộc Nga phải tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc.

Dầu cọ

Giá dầu cọ tăng liên tiếp trong 4 phiên, đạt mức cao nhất 15 tháng do lo ngại La Nina có thể làm gián đoạn việc thu hoạch ở những khu vực trồng lúa mì chính, và hạn hán ở Nga có thể làm giảm cung ngũ cốc toàn cầu.

Trên thị trường Malaysia, dầu cọ kỳ hạn tháng 10 giá tăng 75 Ringgit hay 2,8% đạt 2.736 Ringgit (870 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 15/5/2009. Trên sở giao dịch Đại Liên (Trung Quốc), dầu cọ kỳ hạn giá tăng 174 NDT hay 2,1% đạt 8.286 NDT (1.225 USD)/tấn.

Thời tiết xáu có thể ảnh hưởng tới vụ mùa canola ở Châu Âu và Nga cũng đang tác động tới thị trường dầu cọ. Giá dầu cọ đã tăng 20% khỏi mức thấp nhất của 8 tháng chạm tới hôm 7/7, do đồn đoán nhu cầu có thể tăng từ các quocó gia Châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Indonexia đang vào mùa lễ hội, là giai đoạn nhu cầu dầu ăn thường tăng lên.

Xuất khẩu dầu cọ Malaysia trong tháng 7 tăng 4,4% đạt 1.412.300 tấn.

Đường

Giá đường thô kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần bởi dự báo sản lượng tăng ở Brazil - nước trồng mía lớn nhất thế giới, sẽ làm giảm thiếu cung đường toàn cầu.

Sản lượng ở khu Trung Nam Brazil, khu vực trồng mía lớn nhất nước này, đã tăng 26% trong nửa đầu tháng 7 so với một năm trước đó. Giá đường đã giảm 6,8% trong tuần qua, sau khi đạt mức cao kỷ lục của 4 tháng.

Trên thị trường New York, đường thô kỳ hạn tháng 10 giá giảm 0,51 US cent hay 2,8% xuống 17,73 US cent/lb. Tại London, đường tinh luyện kỳ hạn tháng 10 giá giảm 15,70 USD hay 2,9% xuống 524,10 USD/tấn.

Tổng công ty Thương mại Pakistan đã mua 205.000 tấn đường trắng để đẩy tăng nguồn cung và giảm giá trong nước. Chính phủ nước này có kế hoạch mua 1,2 triệu tấn đường để bù đắp chỗ thiếu hụt.

Hạt tiêu

Giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường Ấn Độ giảm mạnh sau khi biến động ở biên độ cao trong cả tuần qua, bởi giá ở Việt Nam và Sri Lanka cũng giảm.

Việt Nam báo giá hạt tiêu ở mức 3.700 USD/tấn (fob) (FAQ 500 GL), và Sri Lanka cũng bắt đầu chào bán hạt tiêu vụ mới với giá tương tự.
Việt Nam đã xuất khẩu 87.000 tấn hạt tiêu trong 7 tháng đầu năm 2010.

Bông

Giá bông tăng 3 phiên giao dịch liên tiếp bởi lũ lụt làm giảm sản lượng của Pakistan - nước sản xuất lớn thứ 4 thế giới.

Trên thị trường New York, bông kỳ hạn tháng 12 giá tăng 0,16 US cent hay 0,2% đạt 80,39 US cent/lb.

Không chỉ do lũ lụt, việc Chính phủ Pakistan dỡ bỏ thuế đán vào sợi xuất khẩu cũng đẩy giá bông và sợi bông tại Pakistan tăng mạnh. Giá sợi bông hiện ở mức 1,18USD/kg -3,17 USD/kg tùy loại. Giá sợi pha polyester – bông ở mức 1,8USD/kg đến 3,7USD/kg tùy loại.

Thuế áp vào sợi xuất khẩu được chính phủ nước này thông qua vào đầu năm nay nhằm hạn chế lượng sợi xuất ra nước ngoài gây khan hiếm cho thị trường nội địa và kích thích giá cả lên cao. Sau khi Chính phủ nước này quyết định bỏ thuế trên thì lượng sợi xuất khẩu tăng rất nhanh khiến lượng cung trên thị trường nội địa, theo lý thuyết giá sợi tại đây sẽ tăng rất mạnh. Tuy vậy vì đợt lũ hiện tại mà hoạt động thị trường nội địa diễn ra chậm, khiến mức tăng thấp. Giá đưa ra của các nhà kéo sợi tăng 5% so với tháng trước nhưng giá thỏa thuận chỉ cao hơn 3-4%.

Được biết trong tháng 6, giá sợi bông đã giảm 6-7% so với tháng trước đó, trong khi đó giá sợi pha polyester-bông chỉ giảm 2-3%. Như vậy mức giá hiện tại vẫn chưa quay lại mức của tháng 5/2010. Ngoài lý do lũ lụt, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hoạt động thị trường đó là tâm lý người mua. Họ cho rằng giá sợi bông tại Pakistan đang bất ổn do sự không ổn định về thuế và luật pháp. Họ vẫn sẽ tiếp tục nghe ngóng tình hình đến khi giá cả ổn định hơn sẽ quyết định mua. Bản thân các nhà bán cũng khá thoải mái trong thời gian này do kho đã được xả gần hết vì vậy cũng không còn áp lực về giá.

Sản lượng dệt may nói chung của Pakistan dự đoán sẽ giảm trong thời gian tới do cắt điện và hậu quả của lũ lụt.

Trong tuần qua, giá các nguyên liệu trung gian Polyeste tiếp tục tăng, phản ánh mức dự trữ thấp của các nguyên liêụ này trên thị trường. Đơn cử giá PTA tiếp tục tăng thêm 15 USD/tấn, hay 1,73%. Giá MEG giao ngay tăng thêm 18 USD/tấn, hay gần 2,5%. Trong 2 tuần vừa rồi, nguồn cung PTA và MEG khá “èo uột”, do đó giá 2 nguyên liệu này được đà tăng cao. Thêm vào đó, gần đây giá dầu thô thị trường New York hồi phục trở lại là dấu hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng tăng giá của PTA và MEG.

Về những thông tin liên quan, Ủy ban Hợp tác kinh tế Pakistan (ECC) đã đồng ý với việc thay đổi mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm làm từ PTA. Chính sách thuế này đã được áp dụng từ đầu tháng 7 vừa qua. Theo đó, thuế nhập khẩu PTA sẽ giảm từ 7,5% xuống 3%, vải giảm từ 15% xuống 10%. Trong khi đó,  thuế nhập khẩu xơ ngắn polyester (PSF) tăng từ 4,5% lên 6%, sợi dài polyester từ 9% lên 10%, sợi pha tăng từ 9% đến 10% và vải tăng giảm

Vừa qua, Ấn Độ đã ra phán quyết sẽ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng sợi xơ ngắn Viscose (VSF) nhập khẩu từ Trung Quốc và Inđônêxia. Theo đó, những doanh nghiệp của Ấn Độ nàp nhập khẩu mặt hàng trên từ hãng PT South Pacific Inđônêxia sẽ phải chịu mức thuế 0,103 USD/kg, nhập khẩu từ hãng PT Indo Bharat Rayon sẽ phải chịu mức 0,164 USD/kg, và từ các doanh nghiệp khác từ Inđônêxia sẽ phải chịu mức 0,512 USD/kg.

 Còn đối với Trung Quốc, mức thuế VSF sẽ phải chịu là 0,194 USD/kg. Tuy nhiên những năm gần đây lượng giao thương mặt hàng VSF giữa Trung Quốc và Ấn Độ không nhiều. Trong năm 2009, xuất khẩu mặt hàng này tới Ấn Độ chỉ dừng ở con số khá khiêm tốn, do đó dù Ấn Độ có ra quyết sách tăng thuế cũng không tạo ảnh hưởng lớn đối với thị trường xuất khẩu VSF của Trung Quốc

Hiệp hội Bông Trung quốc thông báo nước này sẽ tổ chức bán đấu giá 600.000 tấn bông từ các kho dự trữ quốc gia bắt đầu từ hôm nay, 10/8, để đảm bảo đủ cung và ổn định giá cho thị trường nội địa. Giá bán tối thiểu là 16.500 NDT (2.439 USD)/tấn. Sản lượng bông nước này giảm 14,9% xuống 6,38 triệu tấn trong năm 2009. Niên vụ 2010/11, sản lượng dự kiến sẽ hồi phục trở lại mức 7,2 triệu tấn.

Sản lượng bông Mỹ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có thể tăng 50% lên 4 triệu tấn trong năm nay, trong khi sản lượng của Pakistan có thể giảm 30% do lũ lụt.

Giá bông tại Trung quốc đã giảm 9% kể từ khi có tin Chính phủ sẽ bán bông ra. Hiện giá bông tại Trung Quốc là 16.730 NDT/tấn.

Cao su

Cao su kết thúc 2 ngày tăng giá sau khi đồng Yên tăng giá so với USD khiến cho cao su tại Tokyo trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tại Tokyo, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2011 giá tăng 0,5% vào lúc giao dịch sớm, lên 283,5 yen/kg (3.255 USD/tấn) trước khi kết thúc ngày ở giá 282,1 yen/kg.

Hợp đồng này đã tăng giá 3,5% trong tuần qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào 25/6.

Yên giao dịch ở mức cao nhất 8 tháng so với USD bởi có dấu hiệu kinh tế Mỹ hồi phục.

Taị Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1 giá tăng 0,9% đạt 24.910 NDT (3.682 USD)/tấn.

Cao su RSS-3 kỳ hạn tháng 9 tại Thái Lan giá vững ở 104,50 Baht (3,27 USD)/kg.

Dự báo gía cao su thiên nhiên sẽ duy trì ở mức trên 3 USD/kg trong tương lai gần, ít nhất trong 2 tháng tới, bởi nguồn cung vẫn khan hiếm.

Consortium Cao su quốc tế cho hay dự trữ cao su thế giới hiênj ở mức gần 1,4 triệu tấn, thấp hơn so với mức trung bình 1,6 đến 1,8 triệu tấn.

Dự báo sản lượng sẽ tiếp tục thấp hơn nhu cầu cho tới 2012, sẽ hỗ trợ giá cao su ở mức 250 – 350 Yên/kg tới 2011.

(Vinanet)