menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường platinum và palladium quý III/2008: giá giảm mạnh

14:07 21/10/2008
Giá platinum và palladium đã giảm mạnh trong quý III, do nỗi lo nhu cầu những kim loại này trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô và đồ trang sức đều giảm theo xu hướng kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ. Giá dầu thô, vàng giảm mạnh, đồng USD tăng giá nhanh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt tác động làm giá Platinum và palladium giảm nhanh.
Platinum và palladium đã mất khoảng một nửa giá trị trong quý III, với Platinum hợp đồng kỳ hạn tháng 1/09 kết thúc quý ở mức 1.000,10 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 16/2/2006. Có ngày, giá platinum giảm tới 56,40 USD/ounce, hay 5,2%. Tính trong cả quý III, platinum đã giảm 50% giá trị, và riêng trong tháng 9 thì giảm 32% giá trị, là mức giảm mạnh nhất kể từ 1986. Platinum đã từng đạt kỷ lục cao 2.308,80 USD/ounce vào ngày 4/3. Nguồn cung platinum thế giới đang chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa nhiều nhất kể từ 10 năm nay do nhu cầu giảm. Dự kiến mức dư thừa platinum năm nay sẽ lên tới 200.000 ounce, thậm chí có thể còn hơn thế.
Palladium đã giảm 56% trong quý III và 34% chỉ trong tháng 9, kết thúc quý ở mức 202,70 USD/ounce. Có ngày, Palladium cũng giảm tới 17 USD, hay 7,7% giá trị. Tiêu thụ Platinim trong ngành sản xuất ô tô chiếm khoảng 60% tổng tiêu thụ platinum toàn cầu. Platinum và palladium được sử dụng để sản xuất các bộ phận kiểm soát khí thải cho động cơ xăng và động cơ diezel. Tiêu thụ ô tô tại Mỹ - thị trường ô tô lớn nhất thế giới - trong năm 2008 dự kiến sẽ ở mức thấp nhất của 15 năm nay do khủng hoảng tài chính. Tiêu thụ ô tô ở châu Âu cũng giảm 16% trong tháng 8, mức giảm trong tháng mạnh nhất kể từ 1999. Nhu cầu ở các thị trường đang nổi như Nga, Đông Âu và Brazil cũng đang chậm lại. Dự báo thị trường ô tô Mỹ sẽ chưa cải thiện trong năm tới. Thị trưòng ô tô thế giới thậm chí sẽ chưa hồi phục trước năm 2010. Nhu cầu tiêu thụ bạch kim để làm đồ trang sức cũng giảm nhanh, nhất là từ những nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Italia và Trung Quốc. Cung tăng, cầu giảm là nguyên nhân chủ yếu làm giá bạch kim đã và sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, theo Metal Bulletin, nguồn cung bạch kim vẫn có xu hướng gia tăng từ những nước sản xuất lớn như Nam Phi, Nga và Australia. Kinh tế các cường quốc công nghiệp hàng đầu trì trệ; tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ cũng chậm lại, thu nhập của dân cư tăng chậm, lạm phát tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức giảm.
 

Nguồn:Vinanet