menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường trong nước năm 2009

07:49 06/01/2010
Theo Tổ điều hành Thị trường trong nước, thị trường hàng hoá tháng 12 tiếp tục diễn biến khá sôi động, đặc biệt nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm và dịp lễ Noel.

Nhu cầu nhiều mặt hàng tăng cao hơn, đặc biệt là các mặt hàng chuẩn bị phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm, đồ uống với mức giá tăng từ 3 đến 10%, nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường đồng loạt tăng giá so với tháng trước, nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào nhập khẩu (lương thực, thực phẩm, sắt thép, phân bón, sữa, gas….). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 12/2009 đạt 120.562 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng 11/2009. Mặc dù mức tăng tháng 12 thấp hơn 2 tháng gần đây (thời gian diễn ra các hoạt động khuyến mại tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM) nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2008 (tháng 12/2008 tăng 3,8% so với tháng 11/2008), tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của tiêu dùng trong nước.

Năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế trong nước nói chung, tới sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nói riêng. Tuy nhiên, cũng chính trong điều kiện khó khăn, vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô và hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với thị trường trong nước đã thể hiện rõ thông qua việc thực hiện nghiêm túc và tích cực các Nghị quyết của Chính phủ với việc triển khai các gói kích cầu, các chính sách hỗ trợ đúng mức và khá hiệu quả. Thị trường  hàng hoá đã có những chuyển biến tích cực, những tháng đầu năm, tiêu thụ hàng hoá chậm, sản xuất đình trệ nhưng từ tháng 3, khi các chương trình hỗ trợ bắt đầu được triển khai, thị trường hàng hoá đã sôi động trở lại, nhiều mặt hàng tồn kho lớn như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng đã tiêu thụ mạnh hơn, kinh tế trong nước dần hồi phục, GDP tăng trưởng đều qua các quý (quý I tăng 3,1%, quý 2 tăng 4,5%, quý 3 tăng 5,8%, ước cả năm tăng 5,2%); thị trường trong nước tiếp tục mở rộng và phát triển, hàng hoá dồi dào, nguồn cung được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý (so với tốc độ tăng trưởng trong điều kiện kinh tế khó khăn).

Công tác bình ổn thị trường tại các thành phố lớn được triển khai tốt góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường cả nước nói chung; hoạt động XK hàng hoá mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch vẫn đạt 56,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với năm 2008; thị trường tài chính tiền tệ có những biến động nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Nhờ thực hiện đồng loạt các giải pháp và nỗ lực của nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến thị trường trong nước, năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cũng liên tục tăng qua các tháng và tăng mạnh vào những tháng cuối năm, cả năm 2009 ước đạt gần 1.197,490 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng vẫn trên 10%). Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của thị trường trong nước trong nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời cũng phản ánh hiệu quả việc triển khai các gói kích cầu của Chính phủ, tác động tích cực từ các chương trình xúc tiến thương mại nội địa và quan trọng hơn là niềm tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế trước các giải pháp quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, từ đó khôi  phục sức mua trên thị trường thay cho xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu khi kinh tế khó khăn.

Mặc dù năm 2009, có nhiều yếu tố gây lo ngại về khả năng tái lạm phát cao nhưng do chính sách nới lỏng tiền tệ, việc tăng cung ra lưu thông khi triển khai các gói kích cầu, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng (than, điện, nước) v.v…. tăng lương tối thiểu từ ngày 1/5, tác động của thiên tai dịch bệnh, biến động về tỉ giá… nhưng giá cả hàng hoá  trên thị trường nhìn chung ổn định, không có biến động lớn đặc biệt không có hiện tượng sốt giá do thiếu hàng. CPI năm 2009 tăng nhẹ, và thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra.

(TM)

Nguồn:Vinanet