menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin lúa gạo thế giới 1-4/1/2013

15:59 04/01/2013

Dư cung gạo ở Đông Nam Á đã tăng trong 3 thập kỷ qua và sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường gạo thế giới trong thập kỷ tới, cho đến năm 2021.
  
  

(VINANET) - Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo theo hợp đồng G2G năm 2013

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu bán 7 triệu tấn gạo theo các hợp đồng liên chính phủ (G2G) năm 2013. Con số này chưa kể 7,33 triệu tấn gạo xuất khẩu theo các hợp đồng G2G mà chính phủ Thái Lan thông báo vào tháng 9-2012.

Tuy nhiên, thư ký thường trực của Bộ không tiết lộ các chi tiết của kế hoạch xuất khẩu 7 triệu tấn theo kế hoạch, khiến các thương gia kinh doanh gạo cho rằng sẽ không thể đạt được trừ khi chính phủ giảm giá xuất khẩu.

Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) ước tính rằng xuất khẩu gạo Thái trong tháng 12 – 2012 đạt 500.000 tấn, đưa tổng lượng xuất khẩu của nước này năm 2012 lên 6,9 triệu tấn, giảm 35% so với mức 10,7 triệu tấn của năm trước, do giá gạo trắng của Thái cao và gạo đồ không thể cạnh tranh với Việt Nam và Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo Đông Nam Á sẽ hỗ trợ thị trường gạo toàn cầu trong thập kỷ tới

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa tin, dư cung gạo ở Đông Nam Á đã tăng trong 3 thập kỷ qua và sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường gạo thế giới trong thập kỷ tới, cho đến năm 2021.

USDA cho biết năng suất gạo tăng ở khu vực cộng với diện tích trồng lúa tăng ở Myanmar và Campuchia sẽ không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Indonesia, Philippine và Malaysia, mà còn đáp ứng cả nhu cầu của những thị trường nhập khẩu lớn ngoài khu vực trong thập kỷ tới.

Campuchia khó đạt 1 triệu tấn gạo XK vào năm 2015

Quan chức Campuchia bày tỏ quan ngại rằng, với tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu gạo chỉ đạt khoảng 2%/năm như hiện nay thì nước này khó đạt được mục tiêu 1 triệu tấn gạo xuất khẩu vào năm 2015.

Ông Vanhorn Hean, quan chức Bộ Nông nghiệp Campuchia và là giám đốc cơ quan hành chính một cửa về xuất khẩu gạo cho biết, con số thống kê cho thấy, Campuchia chỉ xuất khẩu được hơn 205 nghìn tấn gạo xuất khẩu, tăng 1,9% so với năm 2011.

Hiện nay, Campuchia xuất khẩu gạo tới 58 quốc gia, chủ yếu là châu Âu. Pháp là khách hàng lớn nhất với lượng mua hơn 47 nghìn tấn, tiếp sau là Ba Lan với hơn 34 nghìn tấn, Malaysia với 25 nghìn tấn

Theo Hun Lắc, Giám đốc công ty Me Kong Oriza Rice Exporter , Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia, tốc độ xuất khẩu gạo của Campuchia trong năm qua đã giảm sút, do gặp phải sự cạnh tranh từ Việt Nam về giá cả các mặt hàng gạo dài và gạo trắng tại thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, các khách hàng lớn còn lựa chọn Việt Nam, vì Campuchia vẫn còn hạn chế về khả năng cung ứng với số lượng lớn.

Tuy nhiên, trong năm 2012, lượng xuất khẩu gạo thơm của Campuchia đã tăng đáng kể, nhờ các hợp đồng bán gạo vào thị trường Trung Quốc.

Các quan chức ngành nông nghiệp Campuchia thừa nhận, dù còn 2 năm nữa để nâng cao khả năng xuất khẩu thì mức 1 triệu tấn gạo xuất khẩu trực tiếp vào năm 2015 của Campuchia là một mục tiêu khó khăn.

Hạn chế về năng lực thương mại, công nghệ chế biến lạc hậu, hệ thống thu mua, kho hàng chưa hoàn thiện và thiếu vốn là những rào cản lớn cho lĩnh vực xuất khẩu gạo, dù những năm gần đây, Campuchia thường đạt lượng sản xuất lúa dư thừa lên tới 3-4 triệu tấn/năm.

Hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu các bộ ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo với mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2105, biến Campuchia thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Hướng tới mục tiêu này, Chính phủ Campuchia sẽ bảo lãnh 50% rủi ro cho các ngân hàng thương mại làm nhiệm vụ cho vay vốn để sản xuất, chế biến và dự trữ gạo, sau khi các ngân hàng cho rằng gặp rủi ro cao khi tham gia cấp vốn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam, Thái Lan là những khách hàng lớn của Campuchia về mặt hàng lúa, gạo chưa chế biến.

Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều ngô hơn lúa

Ủy ban Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều ngô hơn lúa gạo lần đầu tiên trong lịch sử. Đó là kết quả của sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc và nhu cầu của họ đối với thực phẩm giàu protein (thịt cá).

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa điều chỉnh tăng dự báo sản lượng ngô Trung Quốc từ 200 triệu tấn (7,0 tỷ bushel) lên 208 triệu tấn (8,2 tỷ bushel). USDA cũng dự báo sản lượng gạo thô sẽ đạt trên 204 triệu tấn.

Gạo là lương thực chính ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên các số liệu cho thấy người dân Trugn Quốc đang tăng cường sử dụng protein từ động vật. Nhu cầu thịt của Trung Quốc tăng mạnh trong 20 năm qua; nhu cầu gia cầm tăng 300%, thịt lợn tăng 85% và thịt bò tăng 155%.

(T.H – Oryza, Reuters)