menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin tài chính tiền tệ ngày 19/4/2010

13:54 20/04/2010
 

TTCK nhóm nước vùng Vịnh tăng điểm mạnh nhất thế giới    

Chỉ số MSCI của TTCK các nước đang phát triển, trong đó bao gồm các thị trường từ Achentina cho đến Việt Nam, đã tăng 7,8% trong năm 2010, cao hơn mức tăng 1,6% của nhóm thị trường chứng khoán các nước mới nổi.

Theo chuyên gia Andrea Nannini thuộc ngân hàng HSBC, thị trường chứng khoán khu vực Trung Đông sẽ tăng trưởng ngang hàng với những thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới – nhóm thị trường chứng khoán các nước đang phát triển (frontier market) sau khi Dubai World công bố kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ trị giá 26 tỷ USD.

Ông Nannini, chuyên gia làm việc tại quỹ HSBC New Frontiers đã kiếm được lợi nhuận tăng trưởng 71% trong năm qua, nói: “Yếu tố kích thích thị trường chứng khoán nhóm nước này tăng điểm sẽ là việc Dubai World thông báo kế hoạch tái cơ cấu. Dù kế hoạch đó như thế nào, thông tin sẽ vẫn là tiêu cực bởi người ta sẽ cảm thấy rõ ràng hơn rất nhiều. Xếp hạng của các thị trường tại Trung Đông có thể được điều chỉnh lại.”

Tháng 10/2009, ông Nannini dự báo nhóm thị trường mới nổi, với quy mô nhỏ hơn hoặc kém phát triển hơn so với thị trường các nước mới nổi, sẽ tăng mạnh hơn so với nhóm thị trường sau.

Ông Nannini cho rằng hiện còn quá sớm để cho rằng đà tăng điểm sẽ chấm dứt bởi giá cổ phiếu tại nhóm thị trường chứng khoán khu vực Trung Đông vẫn còn quá hấp dẫn.

ADB cảnh báo châu Á về việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái

Các nước đang phát triển tại châu Á đang có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới nếu can thiệp quá sâu vào thị trường ngoại tệ. Đó là cảnh báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong một bản báo cáo thường niên về khu vực được vừa công bố mới đây. Theo bản báo cáo trên, ADB dự đoán, tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á sẽ đạt 7,5% trong năm 2010, và giảm nhẹ xuống còn 7,3% trong năm 2011 khi mà các nước đã bắt đầu cắt giảm các chính sách tiền tệ và tài khoá đặc biệt để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự hồi phục kinh tế nhanh và mạnh của châu Á đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi vì các nước trong khu vực đã can thiệp mạnh vào các thị trường tiền tệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu trong nước.

Báo cáo cho rằng, tốc độ và quy mô phục hồi tại các nước châu Á, cộng với tỷ giá hối đoái thấp đã khiến cho nhiều dòng vốn lớn đổ về các nước trong ngắn hạn. “Chính sự can thiệp mạnh mẽ, cộng với lượng tiền mặt quá dư thừa đã làm cho tỷ giá hối đoái thực bị nâng lên và nền kinh tế sẽ trở nên quá nóng. Đặc biệt, sự đảo lộn bất chợt các dòng vốn trong ngắn hạn (là kết quả của sự can thiệp này) sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định tài chính và kinh tế, đồng thời tạo ra khủng hoảng tài chính và tiền tệ”.

Cũng theo báo cáo của ADB, một số đồng tiền khác của châu Á lại bị ghìm thấp hơn so với đồng đôla. Điều này cũng cho thấy nhiều nước đã can thiệp mạnh mẽ vào các thị trường ngoại hối trong một giai đoạn khá dài. 

ADB cho rằng, đồng nội tệ của Trung Quốc, Hồng Công, Malaysia, Đài Loan và Singapore bị ghìm giá thấp hơn 20% so với đồng đôla, còn đồng nội tệ của Philippines và Thái Lan thấp hơn 10%. Chỉ có tiền tệ của Indonesia, Hàn Quốc và Ấn Độ là được đánh giá “cao hơn một chút” so với đồng đôla. “Rõ ràng hầu hết các đồng tiền của châu Á vẫn bị can thiệp nặng nề, hoặc là so với đồng đôla, hoặc là so với các đồng tiền với nhau. Sự can thiệp này không chỉ xuất hiện trong giai đoạn khủng hoảng”.

ADB kêu gọi ngân hàng trung ương các nước nên điểu chỉnh tỷ giá hối đoái ở mức “cân bằng”, mức mà nền kinh tế có thể vận hành một cách đầy đủ với mức lạm phát thấp và cán cân thanh toán bền vững, nhằm giảm nguy cơ thay đổi đột ngột các dòn vốn do sự can thiệp gây ra. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng giữa các ngân hàng trung ương trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Các nước cũng nên nhất trí điều chỉnh dần tỷ giá hối đoái để tiến tới một trạng thái cân bằng, đồng thời giải quyết sự bất cân đối kinh tế toàn cầu giữa các nước thặng dư và thâm hụt thương mại trong một giai đoạn dài.

Báo cáo cũng trích dẫn một phân tích cho rằng, nếu đồng NDT tăng 10% cũng chỉ làm xuất khẩu của Trung Quốc tăng chưa đến 4%. Nhưng nếu đồng nội tệ của tất cả các nước Đông Nam Á tăng 10% sẽ làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc tới 10%.

Ngoài ra, ADB cũng yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp cải cách, trong đó có việc điều phối chặt chẽ hơn giữa chính sách tiền tệ và tài chính, nhằm ngăn chặn tình trạng bong bóng tài sản, đồng thời rỡ bỏ những trở ngại về cơ cấu để kích cầu trong nước.

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho biết, trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế tại châu Á đang giành được động lực, các nhà hoạch định chính sách cần có chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ các kế hoạch dài hạn hơn, nhằm củng cố tính bền vững của sự hồi phục kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.

ADB góp 130 triệu USD cùng ASEAN+3 lập quỹ

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các nước ASEAN+3 đang tiến tới thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư chung nhằm tăng cường ổn định tài chính và thúc đẩy đầu tư dài hạn trong khu vực. Ban giám đốc ADB đã thông qua việc góp 130 triệu USD cho việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) cùng với các nước ASEAN+3 (ASEAN cùng các đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Quy mô của CGIF là 700 triệu USD, trong đó Trung Quốc góp 200 triệu USD, Nhật Bản 200 triệu USD, Hàn Quốc 100 triệu USD và các nước ASEAN góp 70 triệu USD. Dự kiến, CGIF sẽ bắt đầu hoạt động thí điểm từ năm 2011, bằng việc cung cấp bảo lãnh đối với các trái phiếu bằng tiền địa phương do những công ty trong khu vực phát hành.

Theo Cố vấn của Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực ADB, Noy Siackhachanh, CGIF sẽ giúp cho các tập đoàn có thể phát hành trái phiếu tại thị trường nội địa, các thị trường láng giềng và trên khắp ASEAN+3. Việc chuyển vốn tiết kiệm trong khu vực thành những khoản đầu tư tại khu vực sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và góp phần giảm nghèo.

Theo ADB, các thị trường trái phiếu bằng đồng tiền địa phương của Đông Á đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, với tổng giá trị 4,4 tỷ USD vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, các thị trường này vẫn chỉ chiếm khoảng 7% lượng trái phiếu toàn cầu. Hơn nữa, các trái phiếu công ty cũng chỉ chiếm 30% lượng trái phiếu bằng tiền bản địa trong khu vực.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, các chính phủ trong khu vực đã hợp tác nhằm mở rộng các thị trường trái phiếu nội địa, với việc ASEAN+3 đưa ra Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) và nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực thiết lập Quỹ Trái phiếu châu Á (ABF) vào năm 2003 nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường.

CGIF là sự tiếp nối của các nỗ lực nhằm thúc đẩy các thị trường trong cùng một khu vực ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

(Tổng hợp)