menu search
Đóng menu
Đóng

Tin vui cho ngành chăn nuôi: Sản lượng ngũ cốc thế giới vụ 2008/09 sẽ tăng

14:23 07/11/2008
Sản lượng ngũ cốc thế giới niên vụ 2008/09 dự báo sẽ đạt kỷ lục cao, 1,694 tỷ tấn, tăng so với 1,617 tỷ tấn niên vụ 2007/08, do diện tích gieo trồng tăng lên và thời tiết thuận lợi. Đó là dự báo mới nhất của hãng F.O.Lich.
 Ngũ cốc bao gồm 6 loại: lúa mì, ngô, lúa mạch, lúa miến, yến mạch và mạch đen.
Sau khi giá ngũ cốc thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2008, chính phủ các nước đã rất chú trọng tới việc tăng sản lượng những nông sản này, đảm bảo đủ nguồn cung nội địa, giảm thiểu nhập khẩu để tiết kiệm ngân sách quốc gia, đồng thời ngăn chặn nạn lạm phát.
Được khuyến khích bởi giá tăng cao và sự khích lệ của chính phủ, nông dân trên toàn cầu đã gia tăng diện tích trồng ngũ cốc. Hầu hết các nước sản xuất lớn đều may mắn có thời tiết thuận lợi, càng góp phần đẩy tăng sản lượng cây trồng, đặc biệt là lúa mì.
Tiêu thụ ngũ cốc thế giới dự báo sẽ đạt khoảng 1,684 tỷ tấn trong niên vụ 2008/09, tăng so với 1,630 tỷ tấn vụ 2007/08, chủ yếu do tiêu thụ nguyên liệu tăng cho ngành sản xuất ethanol ở Mỹ và nhu càu tăng ở những nền kinh tế mới nổi, bởi dân số và thu nhập đều tăng, và thói quen về tiêu dùng thực phảm cũng thay đổi. Người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi ngày càng sử dụng nhiều các sản phẩm giàu đạm hơn, như thịt, sữa….
F.O.Lich dự báo mậu dịch ngũ cốc thế giới sẽ tăng mạnh bởi sản lượng không bắt kịp tốc độ tăng nhu cầu ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, và bởi sản lượng ở nhiều nước Trung Đông và Pakistan bị thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu từ đầu năm nay.
Ngoài ra, việc giá ngũ cốc giảm xuống gần đây cũng sẽ đẩy tăng mậu dịch mặt hàng này, vì các nhà nhập khẩu tích cực mua vào khi thấy giá hạ.
Dự trữ ngũ cốc thế giới cuối niên vụ 2008/09 dự báo đạt 280 triệu tấn, tăng so với 257 triệu tấn cuối vụ 2007/08 bởi sản lượng sẽ vượt tiêu thụ.
Thời tiết lý tưởng và diện tích gieo trồng tăng 3% sẽ đẩy tăng sản lượng lúa mì thế giới lên 668,8 triệu tấn trong niên vụ này, so với 604,2 triệu tấn niên vụ trước.
Tiêu thụ lúa mì thế giới dự báo sẽ tăng 27 triệu tấn trong năm nay, đạt 636 triệu tấn, sau khi giảm nhẹ trong niên vụ vừa qua do giá quá cao. Việc các nhà chăn nuôi tăng sử dụng lúa mì trong thức ăn chăn nuôi sau khi giá ngô tăng quá cao đã đẩy tăng mạnh tiêu thụ lúa mì thế giới. Sử dụng lúa mì trong chăn nuôi tăng mạnh nhất ở Liên minh châu Âu sau khi khu vực này bội thu lúa mì. Tương tự, ngành chăn nuôi ở Mỹ cũng tăng tỷ lệ lúa mì trong thức ăn cho vật nuôi.
Sản lượng ngô thế giới niên vụ 2008/09 dự báo đạt 773 triệu tấn, so với 770 triệu tấn niên vụ 2007/08, mặc dù ngô phải nhường một phần diện tích đất trồng cho lúa mì và đậu tương. Sản lượng ngô Mỹ dự báo đạt 307,5 triệu tấn, giảm 24,8 triệu tấn so với mức kỷ lục cao 332 triệu tấn của niên vụ trước. Tiêu thụ ngô thế giới dự báo đạt 785 triệu tấn, tăng so với 774 triệu tấn niên vụ trước, chủ yếu do sử dụng ngô nguyên liệu trong ngành ethanol tăng lên. Sản lượng ethanol thế giới niên vụ này dự kiến đạt 101,4 triệu tấn, tăng so với 78,4 triệu tấn niên vụ trước.
Mậu dịch ngô thế giới niên vụ 2008/09 dự kiến giảm so với mức kỷ lục 101 triệu tấn niên vụ trước, xuống khoảng 90 triệu tấn, do nguồn cung ngũ cốc chăn nuôi tăng lên, và do giá ngô tương đối cao so với các loại ngũ cốc chăn nuôi khác.
Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào ngô nhập khẩu do tiêu thụ các sản phẩm ngô trên thị trường nội địa tăng mạnh, xuất phát từ nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu thịt của Trung Quốc sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm cho đến 2012, đẩy nhu cầu ngô chăn nuôi tăng lên. Từ nước xuất khẩu ngô lớn, Trung Quốc sẽ chuyển thành nước nhập ròng ngô ngay từ năm 2009. Dự kiến khối lượng ngô nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2009 sẽ đạt 900.000 tấn, tăng lên 3,8 triệu tấn vào năm 2010, để tránh tình trạng dự trữ giảm xuống dưới mức 2 tháng tiêu thụ.
Mặc dù giá ngũ cốc thế giới đã giảm nhiều, song ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi vẫn quá cao, trong khi rủi ro về dịch bệnh rất lớn, giá sản phẩm chăn nuôi biến động thất thương và nhu cầu tiêu thụ thịt giảm sút bởi lạm phát khiến mọi gia đình đều thắt chặt hầu bao của mình. Hàng loạt những người chăn nuôi gà, lợn phải giảm mạnh số lượng gà lợn nuôi. Nhiều chủ đầm nuôi tôm, cá phải bỏ đầm không vì tôm chết hàng loạt, trong khi giá tôm, cá biến động khôn lường. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các nhà chăn nuôi nên chăn nuôi tập trung, theo quy hoạch để đảm bảo đầu ra, đồng thời áp dụng những công nghệ chăn nuôi tiên tiến để tránh dịch bệnh, đồng thời cho năng suất cao nhất.

Nguồn:Vinanet