menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan kinh tế trong nước ngày 8/4/2009

09:00 09/04/2009

*Vàng tăng giá, USD tự do lên 17.920 đồng    

Giá vàng trong nước sáng 8/4 tăng thêm 50.000 - 80.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới cũng đang hồi phục.

 Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, chi nhánh Hà Nội trong sáng 8/4 được niêm yết ở mức mua vào 19,43 triệu đồng và bán ra 19,52 triệu đồng/lượng, giá bán tăng 50.000 đồng/lượng, giá mua tăng 60.000 đồng/lượng.

Giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra trong sáng 8/4 tăng 80.000 đồng/lượng so với sáng hôm trước khi niêm yết ở mức mua vào 19,45 triệu đồng/lượng và bán ra 19,52 triệu đồng/lượng, giá mua tăng 80.000 đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ tự do tại Hà Nội, USD trong sáng nay được giao dịch phổ biến ở mức 17.880 -17.920 đồng (mua vào - bán ra), giá mua tăng 10 đồng và giá bán tăng 20 đồng.

*Thị trường chứng khoán ngày 8/4/2009: VN-Index giảm  điểm

Gần 90 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên hai sàn, đạt giá trị gần 2.000 tỷ đồng, VN-Index và Hastc-Index đều giảm mạnh sau 4 phiên tăng "nóng".

Sau khi tăng 41,69 điểm trong 4 phiên trước, HoSE đã chính thức có phiên điều chỉnh trong ngày 8/4. Kết thúc đợt khớp lệnh đầu tiên, VN-Index đã mất đi 5,71 điểm.

Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số này đã giảm 7,53 điểm xuống còn 314,83 điểm. Đồng thời, khối lượng giao dịch đã đạt gần 50,5 triệu đơn vị - cao hơn khối lượng giao dịch của cả ngày 7/4.

Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, VN-Index xuống 313,76 điểm, giảm 8,6 điểm so với ngày hôm qua.

Tổng khối lượng giao dịch tiếp tục ghi nhận một kỷ lục mới khi có tới hơn 55,23 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tăng 5,9 triệu đơn vị so với hôm qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch lại giảm 5 tỷ xuống còn 1.250 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 36 mã tăng giá, 129 mã giảm giá và 16 mã đứng giá.

Hastc-Index đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm 5,37 điểm (mức giảm 4,7%), xuống 108,93 điểm.

*Hà Nội: Thực hiện đơn giá thuê đất cao nhất là 2% giá trị đất    

Từ ngày 9/4/2009, TP. Hà Nội sẽ áp dụng đơn giá thuê đất một năm trên địa bàn Tp. Hà Nội cao nhất là 2% giá trị đất theo Quyết định số 57/QĐ-UBND.

Áp dụng 0,7% giá trị đất đối với làm mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực thương mại, du lịch, bưu điện ngân hàng và các ngành khác và 0,5% thuộc các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình.

Áp dụng đơn giá 1,2% đến 1,5% đối với làm mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực thương mại, du lịch, bưu điện ngân hàng và các ngành khác và 0,7% cho các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình.

Áp dụng đơn giá 1,5% đến 2% đối với làm mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực thương mại, du lịch, bưu điện ngân hàng và các ngành khác và áp dụng 0,7% đến 1% đối với các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình.

*IMF: Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài     

Theo Tổ chức tiền tệ Thế giới (IMF), sau thời kỳ kinh tế tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là đưa ra chính sách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong bối cảnh kinh tế thế giới đi xuống, ngoài ra về trung hạn còn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.

Năm 2009, tăng trưởng GDP nhiều khả năng có thể là 4,75%. Kinh tế toàn cầu đi xuống, xuất khẩu giảm, lượng tiền gửi về nước và FDI giảm, nhu cầu nội địa thấp, ngành sản xuất vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lạm phát toàn phần vào thời điểm cuối năm 2009 có thể giảm xuống mức 6% do giá hàng hóa hạ. Tỷ lệ lạm phát lõi sẽ giảm nhưng chậm hơn. Thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức khoảng 8%GDP do nhập khẩu giảm. Tình hình thị trường tài chính khó khăn sẽ làm giảm mạnh dòng vốn vào Việt Nam.

Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam tốt. Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2013 là 7,5%. Thâm hụt tài khoản vãng lai vào năm 2013 sẽ là 7,5% GDP. Xuất khẩu và lượng tiền gửi tăng trở lại. Khi lòng tin của nhà đầu tư hồi phục, dòng vốn đầu tư sẽ tăng trở lại.

*Việt Nam-Bêlarút hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp

Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Bêlarút tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Bêlarút. Đây là dịp để doanh nghiệp hai nước trao đổi khả năng hợp tác đầu tư bình đẳng hai bên cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Năm 2008, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 124,6 triệu USD, tăng trên96% so với năm 2007. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Bêlarút đạt34,9 triệu USD, tăng 2,3 lần và xuất khẩu của Bêlarút sang Việt Nam đạt 90 triệu USD,tăng 87% so với năm 2007.

Trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, hai nước đnag triển khai nhiều dự án như sản xuất lắp ráp ôtô và phụ tùng, cơ khí chế tạo, khai thác dầu khí. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao, du lịch, tài chính Ngân hàng đang được hia bên phát triển.

Về phía Việt Nam đang có nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp như điện, than, khai khoáng, giao thông, vận tải... mà các doanh nghiệp Bêlarút có thể cung cấp. Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp cho Bêlarút những mặt hàng công nghiệp và sản phẩm nông, hải sản chế biến như: thuỷ sản đông lạnh và đóng hộp, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giầy dép, điện tử gia dụng, sản phẩm gỗ và sản phẩm cơ khí...

*Điều chỉnh giá vé tàu hoả dịp hè 2009

Trưởng ban kinh doanh vận chuyển Tổng công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam cho biết, kể từ 0 giờ ngày 1/6, giá vé giường nằm trên các chuyến tàu từ Hà Nội và Sài Gòn đi đến các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Diêu Trì, Vinh, Đồng Hới, Huế được điều chỉnh tăng bình quân 5%.

Tuy nhiên, giá vé ngồi cứng lại được giữ nguyên và giảm 5% giá vé ngồi mềm để phục vụ hành khách có thu nhập thấp. Riêng với các đoàn tàu Thống Nhất đi từ Hà Nội vào Sài Gòn và ngược lại vẫn giữ nguyên mức giá vé cũ. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm (từ ngày 1/6 đến ngày 31/7), nếu hành khách mua vé trước thời điểm khởi hành từ 30-59 ngày sẽ được giảm giá tới 3% và mua sớm từ 60 ngày trở lên được giảm 5%.

*Tháng 3/2009, VAMA tiêu thụ xe giảm 14%

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN, tháng 3/2009, tổng sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 11.316 chiếc, giảm 14% so với tháng 3/2008. Trong đó dòng xe du lịch giảm 35%, xe thương mại giảm 33%; riêng phân khúc xe việt dã/đa dụng (SUV/MPV) chủ yếu là xe 6-9 chỗ tăng mạnh 53% so với tháng 3/2008, do khách hàng tranh thủ mua xe trước khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/4/2009.

 

Nguồn:Vinanet