menu search
Đóng menu
Đóng

Ðối phó tình trạng khan hiếm lương thực

14:39 11/06/2008
Tình trạng lương thực khan hiếm và giá leo thang đã và đang buộc chính quyền nhiều nước lo bảo đảm an ninh lương thực. Những nước xuất khẩu lương thực xem xét lại kế hoạch xuất khẩu, những nước thiếu lương thực lo tăng gia sản xuất. Một số nước đã thuê đất ở nước ngoài để sản xuất lương thực.
Theo mạng tin IPS, từ châu Phi tới châu Á, đang có hiện tượng các nước tranh giành nhau mua, hay thuê đất ở nước ngoài để canh tác bảo đảm đủ lương thực nuôi sống người dân của họ. Trung Quốc đang dẫn đầu bằng những hợp đồng thuê đất tại Tanzania, Lào, Kazakhstan, Brazil và một số nước khác. Ấn Ðộ đang "để mắt" tới Uruguay, trong khi Hàn Quốc đang tìm kiếm các hợp đồng canh tác tại Sudan và vùng Siberia. Ngoài ra, Libya và Ai Cập cũng đang đàm phán các hợp đồng thuê đất ở Ukraine.
Những quốc gia càng có ảnh hưởng, thì càng có khả năng bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, khiến các nước có thu nhập thấp và ít ảnh hưởng hơn không có lương thực để nhập khẩu.
Trước tình trạng khủng hoảng lương thực, người ta đang phân tích, tìm nguyên nhân và hướng giải quyết. Ông C.Han-ra-han, chuyên gia về chính sách nông nghiệp làm việc tại bộ phận dịch vụ nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), cho rằng có năm yếu tố chính đẩy giá lương thực tăng cao trong thời gian vừa qua.
Một là, do thời tiết, với hạn hán ở Australia và Ðông Âu, với thời tiết xấu ở Canada, Tây Âu và Ukraine, dẫn đến việc giảm nguồn cung cấp lương thực. Thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và do đó dự trữ ngô, lúa mì và đậu tương trên toàn cầu đều giảm xuống mức kỷ lục. Ở Australia, do phải trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, nên sản lượng lúa giảm 98% so với trước khi hạn hán. Sản lượng lúa mì năm 2006 của nước này đã giảm còn 10 triệu tấn, sau đó tăng lên 13 triệu tấn vào năm 2007, chỉ bằng 40% mức trung bình của 5 năm trước. Theo ông Han-ra-han, thời tiết xấu hiện nay là hệ quả của một quá trình biến đổi khí hậu lâu dài.
Hai là, do nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước sản xuất lúa gạo ở châu Á, đã thi hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm cung cấp trong nước với hy vọng kiềm chế ảnh hưởng của việc tăng giá đối với người tiêu dùng trong nước. Ấn Ðộ hạn chế xuất khẩu gạo, Việt Nam tạm ngừng xuất gạo, trong khi đó Thái-lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có thể xuất khẩu một số lượng gạo kỷ lục khi giá gạo tăng cao chưa từng thấy. Trong những tháng đầu năm 2008, giá gạo của Thái-lan đã tăng gấp ba lần, hiện đứng ở mức 1.000 USD/ tấn.
Ba là, do giá dầu và năng lượng tăng cao đã tác động tới toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, từ giá phân bón tới thu hoạch, vận chuyển và chế biến lương thực. Năm 2007, khi giá dầu thế giới ở mức 72 USD/thùng, tại Mỹ, trung bình cứ 1 USD để mua lương thực thì mất một nửa vào giá thành vận chuyển. Năm nay, chi phí cho vận chuyển còn cao hơn nữa, khi giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh. Từ tháng 10-2007 đến tháng 4-2008, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Trong thời gian tới, không có khả năng giá dầu sẽ giảm, nên giá thành sản xuất và tiêu thụ lương thực vẫn tiếp tục cao.
Bốn là, do thu nhập của người dân đã cao hơn tại các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Ðộ, dẫn đến nhu cầu tăng mạnh đối với các mặt hàng thực phẩm và lương thực chế biến, đẩy giá hàng tăng trên thị trường thế giới. Do mức sống cao, người dân tiêu thụ nhiều thịt hơn, cũng làm ảnh hưởng tới lương thực, bởi trung bình để có 1 kg thịt phải tốn tới 7 kg lương thực.
Năm là, do nhu cầu về năng lượng sinh học gia tăng, do đó ảnh hưởng đến số lương thực đáng lẽ sử dụng để nuôi sống con người. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã dùng tới 23% sản lượng ngô thu hoạch trong niên vụ 2006 - 2007 vào mục đích này.
Theo ông này, trong tháng 5 vừa qua, giá lúa mì đã giảm gần 30% và giá gạo cũng sẽ giảm trong thời gian tới. Nhưng, cho dù giá lương thực có giảm, thì vẫn cao hơn cách đây một hoặc hai năm, vì đã có sự thay đổi cơ cấu trong dài hạn.
Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao là do các nước đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu sinh học từ lương thực, trong khi nhiều năm nay việc sản xuất lương thực không được chú ý đúng mức, nhưng tại Hội nghị cấp cao về an ninh lương thực diễn ra ở Roma, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cho rằng, việc sử dụng lương thực làm nhiên liệu chỉ góp phần làm tăng từ 2 - 3% giá lương thực. Ông nêu rõ, ở Mỹ nhờ sử dụng ê-tha-nôn đã giảm tiêu thụ dầu được 1 triệu thùng/ngày, việc tăng sử dụng nhiên liệu sinh học và bớt sử dụng dầu sẽ tốt hơn cho môi trường.

Nguồn:Nhân Dân