1. EUDR làm gia tăng chi phí của các nhà cung cấp cao su
Đầu năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các quy định mới, trong đó cao su là một trong những mặt hàng cần truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu vào EU. Do thời hạn 18 tháng tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 đối với các công ty vừa và lớn là tương đối ngắn, những người tham gia thị trường chia sẻ lo ngại về việc liệu có thể kịp thời đáp ứng các yêu cầu của EU hay không. Thị trường cũng quan ngại về việc 6 tháng sau đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc nhỏ cũng phải tuân theo các quy tắc tương tự, tức là trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.
Tuy nhiên, thông tin tình báo thị trường cho thấy các nhà chế biến quy mô lớn hơn ở một số quốc gia, chẳng hạn như Châu Phi, đã thiết lập các hệ thống để theo dõi từng lô hàng đến tận nơi xuất xứ. Các nhà chế biến này có vẻ tự tin rằng hệ thống của họ là đủ, nhưng các hướng dẫn cụ thể về cách tiến hành kiểm tra các lô hàng và tài liệu hướng dẫn vẫn chưa được Ủy ban Châu Âu tiết lộ.
Hiện nay, các hợp đồng cao su thường được đàm phán hàng năm, theo đó người tiêu dùng đàm phán các hợp đồng dài hạn (LTC) để đảm bảo nguồn cung cao su tự nhiên ổn định cho năm tiếp theo. Mặt khác, người tiêu dùng dựa vào việc mua cao su tự nhiên trên thị trường giao ngay trực tiếp từ nhà sản xuất và/hoặc đại lý.
Kể từ khi có thông báo Quy định phá rừng của EU (EUDR), các nhà cung cấp mặt hàng này khi chào bán cao su hàng thực đã bắt đầu áp dụng chiến lược định giá theo cấp bậc. Giá khi ký kết hợp đồng thường cao hơn trước kia do việc bổ sung chi phí truy xuất nguồn gốc và sự không chắc chắn về giá trong môi trường kinh tế suy thoái.
Do sự khác biệt như vậy giữa các hợp đồng cao su hàng thực với các hợp đồng kỳ hạn tương lai – có nhiều bất chắc hơn, các quan sát viên nhận thấy đã có sự gia tăng thương mại cao su trên thị trường giao ngay trong năm 2023.
Năm 2024, dự kiến xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn do tác động của EUDR lên giá cả. Tác động tổng thể đến giá cả sẽ tăng do các nhà sản xuất dự kiến sẽ tính đến chi phí truy xuất nguồn gốc và chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng của họ. Chỉ có duy nhất một khả năng khác là nếu thị trường rơi vào trạng thái dư cung thì tác động từ EUDR mới được hạn chế.
2. Cao su Bờ Biển Ngà gia tăng cạnh tranh với cao su châu Á
Tính đến tháng 10/2023, sản lượng cao su của Bờ Biển Ngà đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong số 5 khu vực sản xuất lớn nhất thế giới, Indonesia ghi nhận sản lượng giảm trong tất cả các tháng, trong khi Thái Lan, Việt Nam và Bờ Biển Ngà ghi nhận mức tăng. Sản lượng của Ấn Độ cho đến tháng 10/2023 cho thấy không có thay đổi nào kể từ năm 2022. Tính đến tháng 10 năm 2023, mức sản xuất của Bờ Biển Ngà chỉ thấp hơn Indonesia khoảng 20.000 tấn.
Sản lượng cao su Bờ Biển Ngà tăng nhanh
Năm ngoái, tác động của sự gia tăng nguồn cung ở Bờ Biển Ngà đã được quan sát thấy trên thị trường cao su hàng thực bắt đầu từ tháng Tư. So với các loại cao su châu Á như STR20 và SIR20, cao su AFR10 của châu Phi được chào bán với mức chiết khấu hơn 100 USD/tấn trong hầu hết các tháng kể từ đó. Về lâu dài, nhiều người tiêu dùng có thể quyết định mua cao su châu Phi do cân nhắc lợi ích về chi phí và nguồn cung.
Với tốc độ hiện tại, dự kiến năm 2024 Bờ Biển Ngà sẽ vượt qua Indonesia để trở thành nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, những cân nhắc như sự quen thuộc với các mối liên hệ thị trường đã được thiết lập, chất lượng và tính bền vững cũng như chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng có thể làm chậm tốc độ người tiêu dùng chấp nhận các nguồn cung cấp mới.
3. Nhu cầu cao su năm 2024 có thể được hỗ trợ nhờ môi trường lãi suất giảm
Năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt do áp lực lạm phát. Lãi suất bị đẩy lên cao đã và đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Liên hệ với thị trường cao su, xu hướng giá mặt hàng này giảm trong suốt 8 tháng đầu năm 2023, cho đến tháng 8, khi Trung Quốc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Là nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, những chính sách như vậy do Trung Quốc thực hiện đã hỗ trợ giá cả cao su vật chất và cao su kỳ hạn, đồng thời góp phần tạo ra tâm lý tích cực về giá kể từ đó.
Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào tháng 12 năm 2023 đã báo hiệu khả năng cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Với việc dự kiến lãi suất sẽ được cắt giảm vào năm 2024, mức tiêu thụ có thể tiếp tục tăng. Do đó, giá cao su hàng thực và cao su kỳ hạn tương lai dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, kịch bản này phụ thuộc vào tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, căng thẳng địa chính trị và chính sách kinh tế của các khu vực này.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 cũng sẽ có tác động đáng kể đến thị trường. Các tổng thống thực hiện quyền phủ quyết đối với các dự luật được đề xuất có thể dẫn tới viẹc trì hoãn chi tiêu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Là một nền kinh tế lớn, những chính sách như vậy có tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác thông qua các yếu tố như tỷ giá hối đoái, thương mại và tiêu dùng cũng như chuỗi cung ứng.
Tham khảo: Narket news & insights
Nguồn:Vân Chi/Nhịp sống thị trường