Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân rất lo lắng trong khâu thu hoạch và tiêu thụ. Chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực đưa ra nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để giúp người dân thu hoạch, tiêu thụ được thuận lợi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa Hè Thu 2021 trên địa bàn tỉnh xuống giống được gần 59.000 ha, sản lượng ước đạt trên 331.000 tấn. Hiện nay, máy gặt đập trong tỉnh có 253 máy, với diện tích thu hoạch lúa rất lớn, nếu thực hiện điều phối máy cắt trong tỉnh hoạt động thì chỉ đáp ứng từ 50 - 60%. Như vậy, tỉnh cần hỗ trợ máy cắt ngoài tỉnh khoảng từ 40 - 50% số máy mới đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn.
Qua nắm tình hình thực tế sản xuất cho thấy, sản lượng lúa để lại tiêu thụ trong dân và được các đơn vị liên kết bao tiêu sản lượng thu mua chỉ chiếm khoảng 40%. Còn lại 60% sản lượng do các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên đến thời điểm này các thương lái vẫn chưa đến địa phương để có kế hoạch thu hoạch, thu mua lúa nên nông dân đang rất lo lắng.
Ông Trần Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết, qua rà soát thực tế, hơn 90% nguồn tiêu thụ là đến từ thương lái ngoài tỉnh. Do vậy, để tiêu thụ được phải có phương tiện (chủ yếu là phương tiện thủy) ra vào, tỉnh. Trong điều kiện phải thực hiện chặt chẽ việc quản lý người, phương tiện ra vào tỉnh như hiện nay, vụ lúa Hè Thu của huyện với khoảng 100.000 tấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết thêm, trên địa bàn huyện hiện có 76 máy gặt, chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu hoạch trong giai đoạn đầu. Đến khi hoạch rộ, nhu cầu cần từ 50 - 80 máy gặt. Do đó, nếu áp dụng không cho người ngoài tỉnh vào như hiện nay thì khâu thu hoạch lúa của huyện sẽ rất khó khăn.
Trước những khó khăn trên, huyện Vĩnh Lợi đã xây dựng kế hoạch thực hiện thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu ứng phó với tình hình khó khăn sắp tới với 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 là tình hình dịch được kiểm soát tốt, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Kịch bản 2 là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách.Lúc đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương trên địa bàn huyện đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho khâu thu hoạch trong lúc cao điểm.
Trong kịch bản 3, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiếp tục thực hiện giãn cách, tỉnh quy định không cho phép phương tiện, người ngoài tỉnh vào huyện. Đối với khâu thu hoạch, huyện sẽ điều tiết, phát huy tối đa năng lực phương tiện, nhân công đang có trong huyện; tăng cường tuyên truyền để người dân tại các địa phương tận dụng điều kiện tại chỗ như: sân nhà, vườn, đất trống để phơi lúa (do lượng sân phơi và lò sấy trên địa bàn ít), trữ lại chờ qua dịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình Mã Thanh Phương thông tin, diện tích thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2021 trên địa bàn huyện gần 11.000 ha. Trên địa bàn huyện hiện nay có 55 máy gặt đập liên hợp đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thu hoạch lúa của người dân. Do vậy, UBND huyện đã vận động Hợp tác xã Vĩnh Cường ở xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình ký hợp đồng với 30 máy gặt đập liên hợp ngoài huyện và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Như vậy, trong thời gian thu hoạch rộ sẽ có 85 máy gặt đập trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu thu hoạch lúa cho người dân trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ nên các thương lái chưa thể tiếp cận với người dân để đặt cọc. Người dân đang chờ thương lái đến đặt cọc lúa, thông tin về thương lái cũng chưa có. Do ảnh của dịch COVID-19 nên một số công ty, doanh nghiệp lớn về thu mua, tiêu thụ lúa gạo chỉ hoạt động cầm chừng, làm cho giá lúa giảm giá giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ lúa và khiến cho người dân lo lắng.
Trước những khó khăn của các địa phương, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, hiện nay số lượng máy gặt của tỉnh là 253 máy. Trước mắt, các địa phương cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hoạch, vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, thống kê chính xác diện tích và thời gian thu hoạch lúa; kết nối với các mối lái truyền thống trong và ngoài tỉnh để thu hoạch, tiêu thụ lúa thông thương cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cũng yêu cầu, Sở Giao thông vận tải đề xuất và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc vận chuyển hàng hóa lưu thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, nắm tình hình về nông sản cần tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương lái đến thu mua lúa, vừa đảm bảo thông thương vừa thực hiện tốt việc phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng khẩn trương xây dựng những “vùng xanh” để vừa phục vụ thu hoạch, vừa tiêu thụ nông sản cho địa phương được an toàn, hiệu quả và nhanh chóng.
Nguồn:Chanh Đa (TTXVN)