menu search
Đóng menu
Đóng

Chuyện ngành chăn nuôi: Con heo 'sống dậy' từ vực thẳm

06:26 08/01/2019

Vinanet -Năm 2018, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam vực dậy ngoạn mục từ khủng hoảng dư thừa nguồn cung và cơn bão giá thấp kỷ lục.

Giá heo đi lên từ vực sâu

Giữa năm 2017, anh Thái, chủ một trang trại heo vài trăm con thịt, nái tại Vĩnh Phúc, đã lao đao. Giai đoạn đó, giá heo hơi chỉ còn 21.000-22.000 đồng/kg. Chủ trang trại này cho biết mức giá phải đạt 40.000-42.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Còn khi đó, mỗi kg heo hơi chỉ bằng 4 cốc trà đá khiến cho người chăn nuôi như anh mất ăn mất ngủ vì lỗ. So với năm trước, ở khoảng tháng 4/2017, anh Thái lỗ khoảng 1 tỷ đồng.

Đó là câu chuyện của năm 2017. Đến năm 2018, mọi việc đã tích cực hơn dù những tháng đầu năm, giá vẫn ở vùng thấp kỷ lục. Quý II/2018, giá heo tăng mạnh, duy trì xu hướng tăng tích cực do nguồn cung giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi trước đó đã giảm đàn, ngừng chăn nuôi. Đến tháng 7/2018, ngành chăn nuôi heo trở lại thời hoàng kim. Giá đạt mức 55.000 - 56.000 đồng/kg, có lúc chạm mốc 57.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục của giá heo trong nhiều năm qua tại một số tỉnh miền Bắc.

Giá tăng mạnh, lo ngại thị trường bị phá vỡ, người tiêu dùng bị tác động, các cơ quan quản lý liên tục đưa ra hướng dẫn bình ổn giá với yêu cầu không để vượt quá 50.000 đồng/kg. Từ đó tới nay, giá hơi dù đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn giữ ở mức cao so với năm 2016 do heo tới lứa xuất bán trong các trang trại không nhiều, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Khi nhớ lại giai đoạn khủng hoảng giá heo trước đó, không ít người bàng hoàng. "Vận đen" của con heo kéo dài từ 2016 đến đầu năm 2018. Có thời điểm, liên tiếp những "tin xấu" ập đến, từ bê bối lò giết mổ heo lớn nhất TP HCM tiêm thuốc an thần đến Trung Quốc ngừng nhập qua đường tiểu ngạch... khiến cho nhiều hộ nuôi treo chuồng, giảm đàn. Sức tiêu thụ và giá cùng giảm. Con heo tưởng như không "sống dậy được".

Thăng trầm của doanh nghiệp

Năm 2017, thời điểm ngành chăn nuôi heo rơi vào khủng sâu nhất, lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm mạnh, thậm chí rơi vào thua lỗ.

Phải đợi đến quý II/2018, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này mới khả quan hơn nhờ giá heo tăng mạnh.

Có thể thấy rõ, từ quý III/2016, lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào con heo, đều giảm dần và bắt đầu thua lỗ từ quý II/2017, thời điểm giá heo hơi duy trì ở mức thấp kỷ lục 22.000 - 28.000 đồng/kg.

Quý II/2016, lợi nhuận của Dabaco là hơn 199 tỷ đồng nhưng giảm xuống gần 13,5 tỷ đồng vào quý I/2017. Quý II/2017, doanh nghiệp lỗ khoảng 33,1 tỷ đồng. Nhưng đến quý III/2017, lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt lên 155 tỷ nhờ giá heo hơi tăng "nóng" lên trung bình 42.000 đồng/kg. Đến năm 2018, lợi nhuận công ty 9 tháng đã ước đạt 246 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Tương tự, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco ghi nhận lợi nhuận giảm từ quý II/2016 và lỗ hơn 30,7 tỷ đồng vào quý II/2017. Tuy nhiên, không được khả quan như Dabaco, Mitraco lỗ triền miên từ quý II/2017 tới quý I/2018. Công ty chỉ bắt đầu có lợi nhuận lại từ quý II/2018 với hơn 2,1 tỷ đồng.

Dù thế, câu chuyện giá heo tăng "nóng" vào quý II/2018 không dễ để lý giải. Nghi vấn về việc doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang thao túng giá heo để thu về lợi nhuận từng được đặt ra.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, bày tỏ lý do giá heo tăng khiến nhiều người trong nghề cũng khó lý giải. Heo Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam nên cầu không có đột biến. Bên cạnh đó, người nuôi hết tiền, hết vốn sau cú sốc 2017 mà số liệu thống kê vẫn cho thấy nhập khẩu nguyên liệu thức ăn tăng lên tức người nuôi vẫn nhiều, theo ông, là điều rất lạ.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng doanh nghiệp lớn không thể thao túng giá. Trong đợt khủng hoảng giá, nông dân là người chịu thiệt, các công ty lớn vẫn trụ được do trường vốn, đặc biệt doanh nghiệp FDI càng hưởng lợi.

Ngoài việc giá phục hồi, ngành chăn nuôi heo năm 2018 đón thêm một tin vui. Tập đoàn Mavin đàm phán thành công với Myanmar để xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang thị trường này. Lô thịt heo đầu tiên của Việt Nam cập cảng của Myanmar vào cuối tháng 5. Vào thời điểm đó, đại diện của Mavin cho biết mỗi tháng tập đoàn sẽ xuất khẩu ít nhất một container 40 feet thịt heo, tương đương 26 tấn thịt heo tươi, sang thị trường này.

Đây được xem là tin vui bởi lâu nay, đầu ra cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc thông qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Quá phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang nước láng giềng này đã nhiều lần khiến ngành chăn nuôi heo nói riêng và ngành nông sản Việt Nam nói chung khốn đốn khi Trung Quốc tạm ngừng thu mua hay siết cửa khẩu.

Nguồn: ndh.vn