Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên triển khai tại 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông là một trong những đề án trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm phát triển vùng nguyên liệu cà phê liên kết giữa các hợp tác xã với quy mô tăng lên gần 20.000 ha. Để thực hiện đề án này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hợp tác xã và doanh nghiệp là một yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, việc kết nối cung - cầu nhân lực qua đào tạo cho vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành cà phê. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các bên liên quan trong việc triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực qua đào tạo, như: xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về nguồn nhân lực và nhu cầu của doanh nghiệp; tạo cầu nối giữa các trường đại học và các hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các sinh viên đến thực tập và làm việc trong ngành cà phê…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp và các trường cần phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng phương án về nhu cầu thực tế; xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thực tiễn và đưa sinh viên về phối hợp cùng các tổ khuyến nông cộng đồng thực tập, làm việc bắt đầu vào năm 2024. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo cân đối trong kết nối cung - cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao ở Tây Nguyên.
Thông qua hội nghị, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê ở Tây Nguyên cho biết đều có nhu cầu về nhân lực đã qua đào tạo để ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực ở vùng này còn thiếu hụt và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Các hợp tác xã, doanh nghiệp mong muốn có sự kết nối với các trường đại học để tìm kiếm những ứng viên có trình độ cao, có kỹ năng thực tế và có khả năng sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong ngành cà phê. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên thực tập, làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành.
Các trường đại học, cao đẳng tham gia hội nghị cũng chia sẻ, với những thế mạnh và kinh nghiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, các trường sẽ phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn để đưa vào giảng dạy. Đồng thời, các trường sẽ tích cực khuyến khích và đưa sinh viên về thực tập, làm việc ngay tại vùng nguyên liệu.
Các sản phẩm cà phê tại Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 (Viet Nam Amazing Brewing Master 2023). Cuộc thi là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia dành cho các nghệ nhân pha cà phê chuyên nghiệp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện nay, các trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo liên quan đến nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quản trị doanh nghiệp… đều nhận thức được vai trò quan trọng của việc kết nối cung - cầu nhân lực qua đào tạo cho vùng nguyên liệu; trong đó có vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên.
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đã và đang triển khai các hoạt động như: cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; tổ chức các buổi giao lưu, giới thiệu việc làm, phỏng vấn tuyển dụng giữa sinh viên và doanh nghiệp; ký kết hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập, làm việc và tham gia các dự án thực tiễn trong ngành nông nghiệp.
Thông qua hội nghị, phía Học viện mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các doanh nghiệp và hợp tác xã để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu nhân lực qua đào tạo trong thời gian tới.
Nguồn:Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)/Báo tin tức