Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Bình An (Đồng Nai) - cho biết, việc thu gom điều nguyên liệu đang rất khó khăn do sản lượng điều năm nay giảm mạnh và chất lượng kém do ảnh hưởng bởi thời tiết.
Không ít DN chế biến điều đã phải thu hẹp sản xuất, chọn cách mua đứt, bán đoạn theo từng đơn hàng chứ không nhận đơn đặt hàng trước. Thậm chí, DN tăng cường thu gom hạt điều khắp các tỉnh, thành phố, nhưng so với năm ngoái, lượng thu mua chỉ đạt 20- 30%.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - thiếu hụt nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của DN chế biến, mà nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do khó kiểm soát được chất lượng đầu vào của nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian qua, đã có một số DN than phiền điều thô nhập từ Campuchia, châu Phi có dư lượng chất bảo quản thực vật cao, dẫn đến khi chế biến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU bị trả về.
Mới đây, Vinacas đã đưa ra cảnh báo với các DN ngành điều về vấn đề này, đặc biệt việc các bạn hàng, thị trường nhập khẩu khó tính như Hoa Kỳ, Hà Lan, Úc liên tục cảnh báo về vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ số vi sinh, chất bảo quản...
Trước thực tế này, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, các DN chế biến điều cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân. Những địa phương có thổ nhưỡng phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai phải quy hoạch cụ thể vùng trồng điều, từ đó, kết hợp với DN để hỗ trợ nông dân chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều. Bên cạnh đó, DN chế biến gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm xuất khẩu; chú trọng nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu, giảm xuất khẩu thô...
Hiện nay, sản lượng điều thô trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 DN chế biến. Phần thiếu hụt, DN phải nhập khẩu từ những nước như Campuchia, Ấn Độ, Bờ biển Ngà và một số nước Tây Phi...
Nguồn: Báo công thương điện tử
Nguồn:Báo Công thương điện tử