Theo người đứng đầu Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, tình hình nguồn cung có vẻ tốt hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, do đó chính phủ nước này nên cho phép xuất khẩu đường ra thị trường nước ngoài ít nhất vài triệu tấn.
Trong năm 2023 trước đó, quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới này (chỉ sau Brazil) và cũng là nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2022/23, do nạn hạn hán không có đủ nước để tưới tiêu, làm giảm năng suất mía và ảnh hưởng đến sản lượng, để đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, trong niên vụ 2024/25, Ấn Độ có khả năng sản xuất một lượng đường kỳ lục, sau khi hàng triệu nông dân mở rộng canh tác mía và có đủ nước tưới. Năm nay, các vùng trồng mía ở Maharashtra và Karnataka đón lượng mưa nhiều hơn mức trung bình tới 39%. Khi nguồn cung dồi dào, các nhà máy lại khó trả mức giá mía tốt cho nông dân bởi giá đường tại Ấn Độ đã giảm đáng kể, khi mùa ép mía đang vào giai đoạn cao điểm, xuống mức thấp nhất trong 1,5 năm, thấp hơn chi phí sản xuất của các nhà máy là 41.000 rupee (482,9 USD)/tấn.
Giá đường giảm do nhu cầu suy yếu sau mùa lễ hội và nguồn cung cho vụ mới đã bắt đầu. Giá giảm khiến ngành mía đường yêu cầu điều chỉnh ngay lập tức giá bán tối thiểu (MSP) để hạn chế thua lỗ, qua đó cải thiện lợi nhuận của các nhà máy và cho phép họ thanh toán tiền mía kịp thời cho hàng triệu người trồng mía.
Các nhà máy đường Ấn Độ đã sản xuất 2,79 triệu tấn đường kể từ khi bắt đầu mùa vụ hiện tại, giảm 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nước dồi dào không phải là lý do duy nhất khiến nông dân tăng cường trồng mía mà còn bởi lợi nhuận từ các cây trồng thay thế như đậu tương và bông thu được thấp hơn.
Ấn Độ xuất khẩu đường sang các thị trường chính như In donesia, Bangladesh và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất U.A.E. Quốc gia này đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu đường với khối lượng trung bình 6,8 triệu tấn mỗi năm.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters