Nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU
Cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Tuy nhiên, để thích ứng với yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, sản xuất và thương mại nông sản phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Tính chung xuất khẩu nông sản sang EU đã tăng trung bình 15% mỗi năm trong 4 năm qua. Đặc biệt, các mặt hàng như gạo ST25, thanh long và xoài cát Hòa Lộc đã trở thành những sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia châu Âu. Không chỉ tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói.
Mặc dù Liên minh châu Âu đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ nông sản Việt nhưng đây vẫn là một thị trường khó tính với những quy định liên tục thay đổi. Vì vậy, Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần khắc phục các tồn tại liên quan đến quy tắc xuất xứ, chất lượng hàng nông sản. Việc đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Thực tế cho thấy tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ đều tăng cao ở các ngành hàng chủ lực như Thủy sản: gần 90%, Rau quả: >88,3%... không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế về 0% mà hơn hết là nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu Việt, tăng khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam tại EU.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của cà phê Việt Nam khi chiếm khoảng 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Để ổn định thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) cũng như đáp ứng các tiêu chí về chất lượng và yêu cầu chế biến sâu của thị trường.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn… Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra.
Gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ tận dụng các cơ hội từ EVFTA
Xuất khẩu rau quả Việt Nam gặp thuận lợi do nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Theo các cơ quan thương vụ ở EU, tỷ trọng các sản phẩm nông sản Việt Nam như chanh leo, thanh long, sầu riêng, xoài… luôn được duy trì và có sự tăng trưởng so với các quốc gia khác, kể cả thời điểm biến động thương mại do dịch bệnh, gián đoạn logistics. Điều này sẽ giúp sản phẩm chất lượng dần chinh phục được thị trường khó tính như EU.
Đối với mặt hàng thủy sản, theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, khi tiếp cận được thị trường EU, khả năng tiếp cận thị trường khác của thủy sản Việt Nam tăng lên rất nhiều. Việc khơi thông thị trường EU tạo tiền đề tốt giúp thủy sản của chúng ta có thể đi vào các thị trường khó tính khác vì EU luôn đi đầu trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đối với các ngành sản xuất, EVFTA còn là cú hích, tạo chuyển biến tích cực. Để chinh phục được thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp trong khu vực, các cơ sở thu mua phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng. Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng đối với ngành hàng chủ lực Việt Nam chứ không chỉ là xuất khẩu đơn thuần. Việc thay đổi sản xuất giúp mang lại giá trị bền vững đối với xuất khẩu và góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD. Việt Nam đã được xuất khẩu gạo tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối EU. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, chiếm 14,2% thị phần…
Có thể thấy, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU là nhờ việc đã ký kết và tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Nguồn:Thành Vinh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương