menu search
Đóng menu
Đóng

FAO: Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 7/2024 giảm nhẹ

16:55 02/08/2024

Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 7/2024 (FFPI) đứng ở mức 120,8 điểm, giảm nhẹ so với con số đã sửa đổi trong tháng 6/2024.
Do chỉ số giá ngũ cốc giảm nhiều hơn mức tăng của chỉ số giá dầu thực vật, sản phẩm thịt và đường, trong khi chỉ số sữa gần như không thay đổi. Nhìn chung, chỉ số giá thực phẩm tháng 7/2024 vẫn giảm 3,1% so với tháng 7/2023 và giảm 24,7% so với mức kỷ lục 160,3 điểm đạt được vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 7/2024 đạt 110,8 điểm, giảm 4,4 điểm (3,8%) so với tháng 6/2024 và giảm 15,1 điểm (12%) so với tháng 7/2023. Giá xuất khẩu của tất cả các loại ngũ cốc chính đều giảm so với tháng trước, giảm tháng thứ hai liên tiếp. Nguồn cung tăng nhờ vụ thu hoạch lúa mì mùa đông đang diễn ra ở Bắc bán cầu và điều kiện mùa vụ thuận lợi nói chung ở Canada và Mỹ hỗ trợ vụ thu hoạch lúa mì lớn vào mùa xuân tiếp tục gây áp lực giảm giá lúa mì thế giới. Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước xuất khẩu, trong khi nhu cầu toàn cầu yếu cũng gây áp lực giảm giá lúa mì.
Áp lực vụ mùa bội thu cũng là nguyên nhân khiến giá ngô xuất khẩu giảm. Tốc độ thu hoạch ở Achentina và Brazil nhanh hơn năm ngoái, và vụ thu hoạch ở Mỹ cũng cao hơn mức trung bình của năm ngoái. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch và hạt bo bo cũng giảm trong tháng 7. Chỉ số giá gạo toàn cầu giảm 2,4% trong tháng 7, do hoạt động giao dịch nhìn chung trầm lắng khiến giá gạo Indica và Japonica giảm.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 7/2024 đạt 135 điểm, tăng 3,2 điểm (2,4%) so với tháng 6/2024 và đánh dấu lần tăng thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất trong một năm rưỡi, do giá các loại dầu cọ, đậu tương, hướng dương và hạt cải dầu tăng. Giá dầu cọ quốc tế tăng nhẹ, chủ yếu do lượng nhập khẩu toàn cầu tăng mạnh, trong khi sản lượng ở Indonesia – nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới giảm. Giá dầu đậu tương thế giới trong tháng 7 tăng tháng thứ ba liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh kéo dài từ lĩnh vực nhiên liệu sinh học ở Châu Mỹ. Giá dầu hướng dương và hạt cải dầu quốc tế tăng chủ yếu do dự báo sản lượng suy giảm ở một số nước sản xuất hạt có dầu lớn tương ứng trong niên vụ 2024/25.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 7/2024 đạt trung bình 127,7 điểm, hầu như không thay đổi so với tháng 6/2024, tăng 8,6 điểm (7,2%) so với tháng 7/2023, do sự sụt giảm của chỉ số giá bột sữa gần như bù đắp cho sự tăng giá bơ và phô mai. Giá sữa bột thế giới tháng 7/2024 giảm do nhu cầu nhập khẩu yếu, đặc biệt là nguồn cung giao ngay, một phần do hoạt động thị trường ở Tây Âu tạm lắng trong mùa hè, bất chấp hàng tồn kho khan hiếm và sản lượng sữa ở Châu Đại Dương giảm. Ngược lại, giá bơ quốc tế tháng 7/2023 tăng nhẹ, tăng tháng thứ 10 liên tiếp, phản ánh nguồn cung để xuất khẩu bị hạn chế, chủ yếu ở Tây Âu, do doanh số bán nội bộ ổn định, hàng tồn kho khan hiếm và sản lượng sữa giảm. Giá phô mai thế giới tăng nhẹ, chủ yếu do nhu cầu ở Tây Âu tăng.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 7/2024 đạt trung bình 119,5 điểm, tăng 1,5 điểm (1,2%) so với tháng 6/2024, tăng 1 điểm (0,8%) so với tháng 7/2023. Trong tháng 7, giá thịt cừu và thịt bò quốc tế tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ và nguồn cung ở Châu Đại Dương giảm. Giá thịt gia cầm quốc tế tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh, đặc biệt từ vùng Cận Đông và Bắc Phi, trong bối cảnh sản xuất gặp khó khăn do dịch bệnh ở động vật, đặc biệt là dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số vùng sản xuất chính. Ngược lại, giá thịt lợn giảm nhẹ, phản ánh tình trạng dư cung ở Tây Âu do nhu cầu trong và ngoài nước yếu hơn, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do Trung Quốc mở cuộc điều tra chống bán phá giá và tiếp tục hạn chế nhập khẩu do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. .
Chỉ số giá đường thế giới tháng 7/2024 đạt trung bình 120,2 điểm, tăng 0,8 điểm (0,7%) so với tháng 6/2024, đánh dấu mức tăng tháng thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn giảm 26,1 điểm (17,9%) so với tháng 7/2023. Giá tăng do sản lượng đường ở Brazil thấp hơn dự kiến trong nửa đầu tháng, vượt xa áp lực giảm do sản lượng tăng ở Ấn Độ và điều kiện thời tiết thuận lợi ở Thái Lan. Ngoài ra, những lo ngại kéo dài về tác động của điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài đến năng suất cây trồng ở Brazil trong những tháng tới và sự tăng giá gần đây của ethanol đã hỗ trợ thêm cho giá đường toàn cầu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO