menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lợn hơi ngày 11/3/2019 vẫn trong xu hướng giảm

15:34 11/03/2019

Vinanet - Giá lợn hơi hôm nay giảm tại một số tỉnh, thành trên cả nước, có nơi giảm tới 2.000 đ/kg. Hiện cả nước đã có 13 tỉnh công bố phát hiện dịch tả lợn châu Phi (ASF) với hơn 11.000 con bị tiêu hủy.
Tại miền Bắc giảm nhẹ khoảng 1.000 đ/kg
Giá lợn hơi tại Hà Nội, Hà Nam và Nam Định đồng loạt giảm 1.000 đ/kg. Trong đó, tại Hà Nội giảm còn 40.000 đ/kg; Hà Nam và Nam Định còn 41.000 đ/kg. Các địa phương khác giá lợn hơi không thay đổi so với cuối tuần trước, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình dao động trong khoảng 40.000 - 41.000 đ/kg; có nơi xuống còn 39.000 đ/kg.
Tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương, Yên Bái ... lợn hơi giao dịch ở mức 41.000 - 42.000 đ/kg, tại Lào Cai đạt 43.000 - 44.000 đ/kg.
Về diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF), sau khi Ninh Bình công bố xuất hiện ổ dịch, ngày 10/3/2019, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nam Định xác nhận virus ASF tại huyện Trực Ninh.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 13 tỉnh báo cáo bùng phát dịch bệnh, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Có hơn 11.367 con lợn bị tiêu hủy. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan sang các tỉnh, thành mới với tốc độc nhanh chóng.
Tại miền Trung, Tây Nguyên biến động trái chiều
Đắk Lắk giá lợn hơi giảm tới 2.000 đ/kg xuống 47.000 đồng, Lâm Đồng giảm mạnh 3.000 đồng xuống 46.000 đ/kg. Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, Bình Định giá lợn hơi tăng tới 3.000 đồng lên lần lượt 41.000 và 46.000 đ/kg.
Những địa phương còn lại, giá lợn duy trì ổn định. Cụ thể, giá lợn hơi tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình dao động trong khoảng 41.000 - 45.000 đ/kg. Từ Quảng Trị tới Bình Thuận, giá lợn hơi giao dịch phổ biến trong khoảng 46.000 - 47.000 đ/kg.
Nhìn chung, giá lợn hơi toàn khu vực đang được thu mua trong khoảng 41.000 - 49.000 đ/kg.
Tại miền Nam cũng giảm tới 2.000 đồng
Sóc Trăng là địa phương giảm 2.000 đ/kg, xuống còn 49.000 đ/kg. Tại Gia Kiệm (Đồng Nai) xuống còn 49.000 đ/kg; Bến Tre có nơi còn 46.000 đ/kg.
Với đợt giảm gần đây, giá lợn hơi tại nhiều nơi đã xuống còn khoảng 48.000 - 49.000 đ/kg. Mặc dù vậy, tại Bình Dương, TP HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Long An ... lợn hơi vẫn được thu mua trong khoảng 50.000 - 52.000 đ/kg. Trung bình toàn miền, giá lợn hơi vẫn đạt 50.000 đ/kg.
Đồng Nai sẽ xóa bỏ quy hoạch giết mổ tập trung
Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là quy hoạch nằm trong danh mục phải xóa bỏ theo Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể và UBND tỉnh Đồng Nai chưa phê duyệt danh mục các quy hoạch sẽ xóa bỏ nên việc quản lý giết mổ vẫn thực hiện theo quy hoạch hiện nay.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, khi quy hoạch giết mổ tập trung bị xóa bỏ thì sẽ thực hiện quản lý theo 2 hướng gồm: quản lý theo danh mục ưu đãi đầu tư và quản lý theo các quy hoạch còn sử dụng như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị... Hiện các địa phương đang tập trung rà soát để có đề nghị về các dự án giết mổ cần xây dựng thời gian tới nhằm đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 42/49 cơ sở giết mổ theo Quy hoạch giết mổ tập trung (39 cơ sở đã đi vào hoạt động). Như vậy, theo quy hoạch, còn 7 cơ sở giết mổ sẽ được đầu tư tại các địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, các địa phương cố gắng không để phát sinh thêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và phải kiên quyết thực hiện việc di dời cơ sở giết mổ trong khu dân cư và không đúng quy hoạch theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra. Riêng TP.Biên Hòa cần phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để dự án sớm đi vào hoạt động.
Thực tế, nhiều lò giết mổ tập trung theo quy hoạch hoạt động kém hiệu quả, ngoài khó khăn do bị cạnh tranh bởi nạn giết mổ lậu còn do quy hoạch giết mổ tập trung có nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương sau khi thực hiện theo quy hoạch thì số lượng lò giết mổ tập trung trở nên dày đặc như huyện Trảng Bom có đến 10 cơ sở, huyện Thống Nhất có 7 cơ sở… Việc đầu tư nhiều lò giết mổ nhỏ lẻ với công suất từ vài chục đến vài trăm con heo/ngày và vài ngàn con gà/ngày; công nghệ lại lạc hậu… là những nguyên nhân của việc hoạt động kém hiệu quả.
Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 8 năm thực hiện dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) khi dự án kết thúc vào cuối năm 2018, bà Lê Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Lifsap Đồng Nai cho biết: “33 cơ sở giết mổ tập trung được Lifsap hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện có công suất hoạt động thực tế bình quân đạt chưa đến 50% so với công suất thiết kế. Không ít cơ sở giết mổ Lifsap đang thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản do không cạnh tranh lại với lò giết mổ lậu. Các chủ đầu tư mới cũng e ngại trong việc đầu tư thêm cơ sở mới”.
Trong khi nhiều địa phương đầu tư cả chục lò giết mổ thì TP.Biên Hòa lại chưa xây dựng được 1 lò giết mổ tập trung nào. Theo đại diện Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, dự án đầu tư cơ sở giết mổ tập trung của địa phương chậm trễ do gặp khó khăn trong quá trình triển khai. TP.Biên Hòa đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư sớm cấp chủ trương đầu tư để doanh nghiệp thực hiện dự án đúng tiến độ. Theo kế hoạch đến năm 2020, cơ sở giết mổ tập trung đang được đầu tư sẽ đi vào hoạt động.
Tiếp tục di dời theo quy hoạch cũ
Đồng Nai hiện có 71 cơ sở giết mổ được cấp phép và được ngành thú y kiểm soát giết mổ. Như vậy, ngoài 39 cơ sở được đầu tư theo quy hoạch và đã hoạt động, còn hàng chục cơ sở giết mổ được cấp phép đang hoạt động. Các cơ sở giết mổ ngoài quy hoạch giết mổ tập trung nằm trong khu dân cư đều sẽ phải di dời hoặc ngưng hoạt động. Theo nhiều địa phương, việc di dời các cơ sở này gặp nhiều khó khăn và hiện địa phương cũng bối rối trong việc bố trí địa điểm mới khi Quy hoạch giết mổ tập trung sẽ không còn hiệu lực.
Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu góp ý, việc di dời các cơ sở giết mổ trong khu dân cư và không theo quy hoạch cần được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra. Thực tế, nhiều năm nay huyện đã giao đất, hỗ trợ đầu tư đường giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung mới để di dời cơ sở cũ không đúng quy hoạch tại TP. Biên Hòa về nhưng doanh nghiệp lại chậm trễ, xin gia hạn nhiều lần gây khó khăn cho địa phương.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương và những sở, ngành liên quan phải thực hiện rà soát, tìm hướng quản lý cơ sở giết mổ cho phù hợp khi Luật Quy hoạch mới có hiệu lực và quy hoạch giết mổ tập trung nằm trong danh mục phải xóa bỏ. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể và UBND tỉnh chưa phê duyệt danh mục các quy hoạch sẽ xóa bỏ nên việc quản lý giết mổ vẫn thực hiện theo quy hoạch hiện nay. Khi Quy hoạch giết mổ tập trung bị xóa bỏ sẽ thực hiện quản lý theo 2 hướng là quản lý theo danh mục ưu đãi đầu tư và quản lý theo các quy hoạch khác, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch đô thị…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại, khẩn trương đề nghị về các dự án giết mổ cần xây dựng trong thời gian tới gửi Sở Kế hoạch - đầu tư để đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư. Những dự án giết mổ mới sẽ ưu tiên cho các dự án lớn, hiện đại, theo chuỗi sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz

Nguồn:Vinanet