menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lợn hơi tuần đến 10/2/2019 giao dịch ảm đạm vì nghỉ Tết

18:30 10/02/2019

Vinanet - Tuần qua, thị trường đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán từ đầu tuần, nhưng cũng đã xuất hiện giao dịch mỏng từ ngày mùng 3 Tết, với giá lợn hơi tăng tại phía Bắc. 
Tại miền Bắc giá tăng nhẹ ngày đầu năm mới
Thị trường đóng cửa từ đầu tuần để đón Tết, vì vậy diễn biến về giá lợn hơi không thay đổi cho tới ngày mùng 3 Tết khi các thương lái và người chăn nuôi mở hàng đầu xuân.
Một phần vì nhu cầu thị trường tăng trở lại trong khi các công ty chăn nuôi vẫn đóng cửa, một phần vì đầu năm người mua và người bán đều muốn lấy may nên giá lợn hơi tại một số nơi tăng thêm 1.000 – 2.000 đ/kg so với trước Tết.
Tại Hà Nam, lợn hơi được thu mua trong khoảng 50.000 - 52.000 đ/kg; Hải Dương, Sơn La cũng đạt khoảng 50.000 đ/kg; Ninh Bình 48.000 - 49.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại Hưng Yên 48.000 đ/kg. Một số tỉnh khác như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái cũng ở mức giá 47.000 - 48.000 đ/kg.
Giá lợn giống cao nhất là 1,5 triệu đồng/con loại 7 - 8 kg đã tiêm vacxin.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Giá lợn hơi tại khu vực duy trì trong khoảng 44.000 - 50.000 đ/kg, trung bình đạt trên 46.000 đ/kg. Cụ thể, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng; Hà Tĩnh, Quảng Bình giá thấp hơn khoảng 45.000 - 46.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực Nam Trung Bộ giao dịch ở mức 44.000 - 48.000 đ/kg. Có thể thấy chênh lệch giá giữa hai khu vực đã thu hẹp đáng kể.
Tại Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đ/kg.
Tại miền Nam vẫn có giá cao nhất cả nước
Giá lợn tại nhiều tỉnh phía Nam vẫn đạt trên 50.000 đ/kg trong ngày đầu xuân. Tại TP HCM, Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long lợn hơi được thu mua trong khoảng 50.000 - 52.000 đ/kg; tại Đồng Nai dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đ/kg.
Một số địa phương như Bình Phước, Sóc Trăng, Tây Ninh đạt khoảng 48.000 - 49.000 đ/kg. Tính trung bình, giá lợn hơi tại khu vực khoảng 50.000 đ/kg.
Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý chặt đối với dịch ASF sẽ thúc đẩy xuất khẩu lợn và thịt lợn. Sự lây lan của dịch ASF trong năm ngoái đã thay đổi đáng kể triển vọng của ngành công nghiệp thịt lợn trên toàn thế giới. Việc nhập khẩu lợn, thịt lợn đông lạnh bị đình chỉ ở một số quốc gia do sự bùng phát của dịch ASF.
Theo báo cáo của Rabobank, năm 2019 có thể là một năm đầy tiềm năng cho thị trường thịt lợn toàn cầu, nhưng sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề dịch bệnh. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng, nhưng nhập khẩu bao nhiêu thịt lợn vẫn là một ẩn số.
Áp lực bệnh dịch ảnh hưởng đến nguồn cung thịt toàn cầu theo hai hướng: Sự bùng phát của dịch bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến thiệt hại sản xuất tại địa phương, đặc biệt là trong trường hợp không có thuốc chữa, không có vacxin hoặc dự trữ vacxin hạn chế. Tác động này có thể kéo dài trong một thời gian - trong trường hợp dịch ASF ở Trung Quốc, các khu vực bị nhiễm bệnh bị cấm lưu trữ động vật trong ít nhất 6 tháng.
Tác động thứ hai là thương mại - và điều này được cho là quan trọng hơn nhiều so với thiệt hại sản xuất. Sự bùng phát của dịch bệnh dẫn tới những hạn chế đối với thương mại tại quốc gia bị nhiễm dịch, nhằm quản lý các rủi ro lây lan của dịch bệnh.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz

Nguồn:Vinanet