menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lúa mì, ngô và đậu tương tiếp tục tăng

11:44 14/04/2022

Giá lúa mì tăng 0,6% lên mức 11,28 USD/bushel. Giá ngô tăng 0,32% lên 7,8-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương tăng 0,67% lên 16,87-1/4 USD/bushel.
 
Giá lúa mì và ngô Mỹ tăng trong phiên giao dịch ngày 14/4/2022 do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt, khủng hoảng tại Ukraine và hạn hán tại khu vực Plains Mỹ.
Theo đó, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago tăng 0,6% lên mức 11,28 USD/bushel. Giá ngô tăng 0,32% lên 7,8-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương tăng 0,67% lên 16,87-1/4 USD/bushel.
Các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc đình công giữa các tài xế xe tải chở ngũ cốc ở Argentina đã thất bại, gây ra mối đe dọa đối với xuất khẩu ngô và đậu tương trong mùa thu hoạch chính.
Thời tiết khô hạn ở Mỹ tiếp tục đe dọa chất lượng vụ mùa. Nỗi lo về nguồn cung ngũ cốc toàn cầu vẫn kéo dài khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết.
Trung Quốc - nhà nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu 6,35 triệu tấn hạt có dầu trong tháng 3, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Căng thẳng địa chính trị đang làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Những bất ổn không chỉ khiến việc canh tác ở nước này trở nên khó khăn mà các lệnh trừng phạt cũng làm gián đoạn hoạt động logistics của việc sản xuất những hàng hóa như phân bón.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, Nga và Ukraine sản xuất đến 6% tổng số ngũ cốc được trồng trên toàn cầu. Đây cũng là hai quốc gia xuất khẩu đến 16% các loại ngũ cốc như lúa mỳ, ngô, yến mạch và lúa mạch.
Những loại ngũ cốc này xuất hiện thường xuyên trên bàn ăn của người Mỹ, từ ngũ cốc ăn sáng đến bánh mỳ, mỳ ống và siro ngô - vốn được dùng để làm ngọt đồ uống.
Ngoài ra, Nga và Ukraine cũng cung cấp thức ăn chăn nuôi. Điều này có nghĩa là lạm phát đối với thực phẩm cung cấp protein như thịt gà hoặc thịt lợn sẽ tiếp tục tăng.
Ukraine cũng sản xuất 50% nguồn cung dầu hướng dương của thế giới. Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm sẽ cần cải tiến để thay thế dầu hướng dương, thường được sử dụng trong một số loại thực phẩm, bằng các loại dầu khác.

Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters