Vào tháng 12/2022, các quan chức EU đã thông qua điều luật cấm kinh doanh các sản phẩm dầu cọ hoặc mặt hàng khác có liên quan đến nạn phá rừng trừ khi các nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng việc sản xuất sản phẩm không gây thiệt hại cho rừng.
EU hiện là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn và điều luật mới này đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ Indonesia và Malaysia, những nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof cho biết họ và Indonesia sẽ sớm thảo luận về điều luật này của EU. “Chúng tôi có thể tìm kiếm những chuyên gia nước ngoài để tham vấn về vấn đề này. Hoặc một lựa chọn khác là dừng xuất khẩu sang châu Âu và chỉ tập trung vào các nước khác”, ông Fadillah Yusof nói thêm.
Các nhà hoạt động môi trường đã đổ lỗi cho ngành công nghiệp dầu cọ vì phá rừng nhiệt đới Đông Nam Á một cách tràn lan, mặc dù Indonesia và Malaysia đã tạo ra các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững bắt buộc đối với tất cả các đồn điền của mình.
Phó Thủ tướng Fadillah Yusof kêu gọi các thành viên của Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) cùng nhau chống lại điều luật mới cũng như “những cáo buộc vô căn cứ" của EU và Hoa Kỳ về tính bền vững của dầu cọ.
CPOPC, dẫn đầu bởi Indonesia và Malaysia, trước đây đã từng cáo buộc EU có các hành động không công bằng đối với ngành công nghiệp dầu cọ.
Phản hồi lại tuyên bố của Phó Thủ tướng Fadillah Yusof, đại sứ EU tại Malaysia Michalis Rokas cho biết họ không cấm bất kỳ hoạt động nhập khẩu dầu cọ nào từ nước này và phủ nhận rằng điều luật phá rừng mới gây ra rào cản đối với xuất khẩu của Malaysia. “Điều luật áp dụng bình đẳng đối với hàng hóa được sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia thành viên EU, với mục đích đảm bảo rằng việc sản xuất hàng hóa không làm gia tăng nạn phá rừng và suy thoái rừng”. Đại sứ Michalis Rokas nhấn mạnh thêm rằng ông mong có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Malaysia để xoa dịu những lo ngại của chính phủ nước này.
Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích, nhu cầu dầu cọ của EU dự kiến sẽ giảm đáng kể trong 10 năm tới. Vào năm 2018, một chỉ thị về năng lượng tái tạo của EU đã yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu vận chuyển dựa trên cây cọ vào năm 2030 do nhận thức được mối liên hệ của chúng với nạn phá rừng. Indonesia và Malaysia đã đưa ra các vụ kiện riêng với WTO, cho rằng chỉ thị này là phân biệt đối xử và tạo thành rào cản thương mại.
Theo dữ liệu của Ủy ban Dầu cọ Malaysia, EU là nước tiêu thụ dầu cọ lớn thứ ba thế giới, chiếm 9,4% xuất khẩu dầu cọ từ Malaysia, đạt 1,47 triệu tấn vào năm 2022 - giảm 10,5% so với một năm trước đó.
Nguồn:Kim Nguyễn/Thương gia Điện tử