menu search
Đóng menu
Đóng

Mùa màng ở miền nam Trung Quốc lâm nguy vì nạn châu chấu tre

08:47 31/08/2020

Hình ảnh châu châu bu kín thân cây tại Trung Quốc. (Nguồn: Weibo)

Nông dân ở miền nam Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề do dịch châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ gây ra. Tác động của đợt dịch này còn nghiêm trọng hơn so với tưởng tượng ban đầu của họ.
 
Anh Lin Yichen - một nông dân đến từ làng Pacuo, tỉnh Vân Nam, chia sẻ: "Trên mỗi cây ngô có 30 - 40 con châu chấu và rất nhanh sau đó, chúng ăn sạch lá cây. Lá tre trên núi cũng bị châu chấu ăn hết chỉ trong hai đến ba ngày sau khi chúng đến".
Khi đi ngang qua ruộng ngô, Yin có thể nghe tiếng châu châu đang ngấu nghiến lá cây, âm thanh nghe rất đáng sợ.
"Một số người còn bi quan rằng nếu không ai đến tiêu diệt lũ châu chấu, bọn chúng có thể ăn thịt cả dân làng", South China Morning Post dẫn lời anh Yin cho hay.
Theo thông tin do chính quyền quận Jiangcheng (tỉnh Vân Nam) công bố tháng trước, những đàn châu châu tre lưng vàng đến biên giới Trung Quốc vào cuối tháng 6 và sau đó di chuyển về phía bắc.
SCMP dẫn số liệu chính thức cho biết, các khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn châu chấu tre đã tăng gấp đôi trong hơn 20 ngày của tháng 7.
Tính đến ngày 17/8, dịch châu chấu đã tấn công 11 quận của tỉnh Vân Nam, khiến một khu vực rộng khoảng 106 km2 bị ảnh hưởng.
Giới chức địa phương đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch châu chấu bùng phát. Hàng chục nghìn nhân viên được cử đến các làng và khu vực đồi núi, trong khi máy bay không người lái được triển khai để phun thuốc trừ sâu.

Kiểm lâm phun thuốc diệt châu chấu. (Ảnh: Handout)

Để đối phó với nạn châu chấu lây lan nhanh, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập khẩn tại quận Jiangcheng hôm 27/7. Tại đó, các nhóm công tác từ Vân Nam cùng các tỉnh lân cận như Quảng Tây, Tứ Xuyên và Quý Châu đã họp mặt để "ngăn chặn và kiểm soát dịch châu chấu ở biên giới phía đông nam".
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc còn cảnh báo, đợt dịch châu chấu năm nay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian dài vì châu chấu "đến sớm hơn với số lượng đông hơn mọi năm".
Hơn nữa, Bộ còn nói thêm rằng đợt dịch có thể kéo dài đến cuối tháng 8 và lan rộng từ rừng sang đất nông nghiệp, nhiều khả năng đe dọa đến sản lượng ngũ cốc, đặc biệt là ngô.
Bà Li Yan, chủ khách sạn ở Wenwu (một thị trấn gần làng Pacuo), kể rằng một đội gồm 4 thanh tra kiểm lâm đã có mặt tại địa phương từ đầu tháng 7.
SCMP dẫn lời bà Li cho hay, nhóm thanh tra cùng các cán bộ địa phương đã đi kiểm tra khu vực với hai xe tải nhỏ chở máy phun thuốc trừ sâu để cố tiêu diệt lũ châu chấu. Một thanh tra trong đoàn cho biết mục đích của nhóm là xây dựng một mạng lưới giám sát để ngăn chặn châu chấu xâm nhập.
Tuy nhiên, người này cho hay mục tiêu trên không hề dễ dàng khi mà bầy châu châu có tính di động cao và có thể di chuyển đến 70 km/ngày. Vị thanh tra nói: "Chẳng loại máy bay không người lái nào có thể ngăn chúng"

Ruộng ngô trơ trọi sau khi châu chấu "chén" sạch lá cây. (Ảnh: Handout)

Ông Peter Spurgin - cựu thành viên của nhóm Australian Plague Locust Commission từng giúp kiểm soát đợt bùng phát dịch châu chấu ở Lào năm 2015 và 2016, cho hay cách hiệu quả nhất để giải quyết loại côn trùng này là tiêu diệt chúng trước chúng phát triển hoàn thiện.
Đợt dịch châu chấu mới nhất xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về vấn đề an ninh lương thực sau trận lũ lớn dọc sông Dương Tử và đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF).
Lo ngại về an ninh lương thực xuất hiện sau những đồn đoán về tình trạng thiếu ngũ cốc và lời kêu gọi tiết kiệm thực phẩm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Số liệu mới nhất từ Ủy ban Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy nhu cầu ngô có khả năng vượt cung hơn 16 triệu tấn trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 9/2021.

Nguồn:Khả Nhân / Kinh tế & Tiêu dùng

Link gốc