Lượng mua tăng mạnh từ nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới này có thể giúp giảm tồn kho dầu cọ ở Indonesia và Malaysia, hỗ trợ giá dầu cọ kỳ hạn, đồng thời làm giảm lượng tồn kho dầu hướng dương ở các nước sản xuất tại Biển Đen.
Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) có trụ sở tại Mumbai cho biết, trong năm tiếp thị 2022/23 (kết thúc vào ngày 31/10/2023), nhập khẩu dầu cọ đạt 9,79 triệu tấn, dầu hướng dương đạt 3 triệu tấn, dầu đậu tương đạt 3,68 triệu tấn (giảm 12%) do hầu hết trong các tháng mặt hàng này được giao dịch ở mức cao hơn dầu cọ và dầu hướng dương.
SEA cho biết, tổng lượng dầu ăn nhập khẩu trong năm 2022/23 đã đạt mức kỷ lục 16,47 triệu tấn, tăng 17,4% so với năm trước, do động thái cắt giảm thuế nhập khẩu dầu ăn của Chính phủ xuống 5,5% đã khuyến khích nhập khẩu dầu ăn từ nước ngoài.
Một đại lý có trụ sở tại New Delhi cho biết, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu khi giá dầu ăn trên thị trường thế giới tăng lên hồi năm ngoái, nhưng lại không tăng thuế sau khi giá thế giới sụt giảm.
Cũng theo SEA, nhập khẩu tăng đã nâng tồn kho dầu thực vật lên 3,3 triệu tấn tính đến ngày 01/11/2023, từ mức 2,46 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ nhập khẩu dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine.
Rajesh Patel, đối tác quản lý tại Công ty kinh doanh dầu ăn và môi giới GGN Research cho biết, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu trong các giai đoạn từ tháng 11/2022 - tháng 1/2023 và từ tháng 7/2023 - tháng 9/2023, do giá trên thị trường thế giới khá hấp dẫn. Tuy nhiên tồn kho cao đã khiến họ đã cắt giảm nhập khẩu trong tháng 10/2023.
SEA cho biết, nhập khẩu dầu cọ của nước này trong tháng 10/2023 đã giảm 15% so với một tháng trước đó xuống 708.706 tấn, mức thấp nhất trong 4 tháng.
Trong tháng 10/2023, nhập khẩu dầu đậu tương đạt 135.325 tấn, giảm 62% so với tháng 9/2023 và ở mức thấp nhất trong 34 tháng; nhập khẩu dầu hướng dương giảm 49% xuống 153.780 tấn, thấp nhất trong 7 tháng.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters