Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Riêng mặt hàng tôm thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng thủy sản là xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất cua sống của Việt Nam, có mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…
Trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, cá ngừ đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gấp hơn 7 lần so với tháng 5/2023. Lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
xuất khẩu cá tra tăng 10% và xuất khẩu, mực bạch tuộc và các loài cá khác đều tăng nhẹ 3% trong tháng 5. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu cá biển giảm 3% đạt 742 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5/2024, riêng xuất khẩu tôm giảm 1,5% đạt 326 triệu USD, tuy nhiên lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỷ USD.
Chia sẻ với phóng viên về xuất khẩu mặt hàng tôm, ông Phạm Hoàng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu FMC tăng hơn 15% so với cùng kỳ, chứng tỏ đơn hàng có tăng nhưng chưa nhiều.
Theo ông Việt, hiện đồng yên Nhật Bản đã giảm giá xuống mức thấp 34 năm qua, là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng thiệt hại đến doanh nghiệp, FMC phối hợp với khách hàng lớn, chia sẽ khó khăn và nổ lực tăng khối lượng tiêu thụ để duy trì lợi nhuận; đồng thời luôn thu thập thông tin và xử lý nhanh nhất, trao đổi khách hàng tình hình diễn biến thị trường để tập trung thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận ổn, nghiên cứu mặt hàng mới thu hút người tiêu dùng tiết kiệm mọi mặt trong hoạt động để giảm giá thành.
Theo bà Lê Hằng, dù chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5 với mức tăng 5-26%;
Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ. Tính tới cuối tháng 5, Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Với thực tế trên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Nguồn:Haiquanonline