Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua vẫn có sự ổn định. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng cũng đi ngang như: OM 4900 ở mức 6.700 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; ST 24 ổn định ở mức lên 8.200 đồng/kg. Riêng giá OM 5451 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST vẫn là 7.200 đồng/kg; IR 50404 là 5.500 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang có sự giảm nhẹ ở IR 50404 là 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg; Jasmine cũng giảm 100 đồng/kg còn 7.200 đồng/kg; riêng OC ổn định ở mức 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Đồng Tháp, giá lúa lại tăng nhẹ như: IR 50404 là 100 đồng/kg lên mức 6.400 đồng/kg; OM 6976 là 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Về sản xuất, để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023, bên cạnh cơ cấu giống lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp An Giang cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng.
An Giang có kế hoạch xuống giống từ đầu tháng 11/1022, với tổng diện tích xuống giống hơn 228.500 ha. Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4 đến 5 giống chủ lực, 4 đến 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; trong đó, cơ cấu một giống không quá 20%. Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.
Căn cứ vào số liệu theo dõi giá lúa trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân sản xuất các giống cho vụ Đông Xuân gồm: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… Đây là các giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và giá có chiều hướng tăng. Hơn nữa, đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 tại địa phương.
An Giang cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448...
Trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước khi vẫn mức từ 425 - 430 USD/tấn.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tăng với nhiều đơn đặt hàng đến. Xuất khẩu của Việt Nam có thể cao hơn dự báo trong năm nay.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 345.600 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 28/10; trong đó phần lớn xuất đến Philippines, châu Phi, Cuba và Bangladesh.
Trong khi thị trường lúa trong nước không có nhiều biến động thì trên thị trường gạo châu Á, mưa lớn tại các bang sản xuất gạo quan trọng ở Ấn Độ khiến các thương nhân lo lắng về tình hình mùa màng tại nước xuất khẩu gạo hàng đầu này, trong khi giá mặt hàng chủ lực từ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất gần ba tháng trong tuần này do nhu cầu thấp.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức từ 374 - 382 USD/tấn, do nhu cầu giảm do lo ngại rằng một đợt mưa mới có thể làm giảm chất lượng gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu này.
Các bang phía Đông sản xuất lúa chính là Odisha và Tây Bengal có khả năng hứng chịu lượng mưa lớn vào tuần tới do đợt thời tiết áp suất thấp.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của Satyam Balajee, một nhà xuất khẩu, cho biết mưa quá nhiều chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng cây trồng, mà còn cả sản lượng. Mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở một số bang sản xuất chính.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ngày 20/10 giảm xuống còn từ 405 - 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022, so với mức từ 410 - 420 USD/tấn một tuần trước.
Các thương nhân Thái Lan cho biết giá giảm diễn ra trong bối cảnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài và trong nước bị chững lại, không có sự gián đoạn nguồn cung lớn nào mặc dù lũ lụt.
Mưa lớn và bão kể từ tháng 9/2022 đã gây ra lũ lụt ở 59 trong số 77 tỉnh của Thái Lan, làm hư hại một số vùng đất nông nghiệp.
Nguồn:Bích Hồng – Minh Hằng (TTXVN)