menu search
Đóng menu
Đóng

Tiêu thụ nông sản hậu Covid-19: Biến nguy thành cơ

14:43 13/06/2020

Vinanet - Năm 2020, ngành nông nghiệp đầy kỳ vọng lần đầu tiên đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Những xe nông sản nối đuôi nhau ùn ứ ở cửa khẩu; những sản phẩm nông nghiệp từng là đặc sản và là niềm mơ ước của không ít người tiêu dùng quay đầu giảm giá với mức chỉ bằng 1/3 trước đây… đó là bức tranh chung của ngành nông nghiệp trong những tháng vừa qua.
Trong nguy có cơ
Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực với nhiều loại nông sản giữ vị trí “ngôi vương, ngôi hậu” trên thị trường xuất khẩu, hàng năm, nông nghiệp mang về cho nền kinh tế nước nhà vài chục triệu USD. Năm 2020, ngành nông nghiệp đầy kỳ vọng lần đầu tiên đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc từ đầu năm nay và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia khác khiến nhiều thị trường lớn của Việt Nam phong tỏa biên giới, hạn chế nhập khẩu, làm kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn và sụt giảm 4,1% trong 5 tháng đầu năm.
Khó khăn là vậy, song khác với công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản vẫn được đánh giá là ngành có mức độ rủi ro thị trường thấp hơn vì bất ổn chỉ có tính nhất thời. Khi dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sẽ ổn định trở lại vì nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp là rất lớn. Nói như ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thì dịch bệnh khiến nhu cầu thị trường giống như một chiếc lò xo bị nén lại. Khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu này sẽ bật tăng lên và là cơ hội để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản tăng xuất khẩu. Trong mùa dịch Covid-19, để ngăn ngừa lây lan, người dân phải ở nhà, nên có thể họ không có nhu cầu đổi điện thoại mới, mua quần áo mới hay mua xe mới. Nhưng nhu cầu về lương thực, thực phẩm thì không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Con số kim ngạch xuất khẩu cá tra khởi sắc ở một số thị trường thời gian qua là minh chứng cho luận điểm này. Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngay khi dịch bệnh tại Trung Quốc cơ bản được kiểm soát, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong tháng 3-2020 đã ngay lập tức tăng khoảng 1 triệu USD so với tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ cũng tăng đến gần 20% trong cùng thời điểm. Với EU, mặc dù dịch bệnh khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản nói chung giảm xuống, song một số mặt hàng đặc thù như thủy hải sản chế biến vẫn được ưa chuộng để phục vụ nhu cầu tích trữ của người dân.
Đặc biệt, thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân chính là bệ đỡ cho doanh nghiệp phục hồi doanh số. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xoay xở, tìm kiếm khách hàng, dồn lực đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua từng địa bàn để tăng doanh số thị trường nội địa. Dù người dân giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ, nhưng nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng, bởi nhu cầu tiêu dùng không giảm nhiều, nên vẫn tạo dư địa cho các ngành hàng như thực phẩm chế biến, lương thực, thủy sản… đẩy mạnh tiêu thụ.
Thực tế, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng đến 17,3% so với tháng 4. Sức mua đang nhanh chóng tăng trở lại sau giai đoạn khó khăn vì giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đây được đánh giá là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế thời gian tới.
Chuẩn bị sẵn sàng, nắm bắt cơ hội
Rõ ràng, dịch bệnh là phép thử hoàn hảo cho sức chống đỡ của một trong những ngành kinh tế trụ cột của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại những tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục, là những bất lợi của ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn chỉ rõ, dịch bệnh, cộng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới đang khiến nhiều quốc gia có xu hướng tự sản xuất, tự cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu, trong đó có nông lâm thủy sản. Biến đổi khí hậu cực đoan khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng gặp khó. Thời gian qua, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã đi được những bước dài. Tuy nhiên, trong tổng thể sản xuất, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm số lớn. Điều đó đe dọa đến sự an toàn, sức cạnh tranh và thực hiện các quy chuẩn của nông sản Việt Nam.
Chính vì lẽ đó, thời điểm này, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất… Sự kết nối chặt chẽ của các ban ngành với các địa phương và người nông dân cũng là yếu tố quan trọng nhằm tạo ra quy trình khép kín sản xuất, phân phối, quản lý chuyên nghiệp, bài bản.
Theo các chuyên gia, việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua vào ngày 8/6/2020 sẽ tạo lực mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là những thách thức mới về quy định xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp trong nước phải minh bạch, trung thực xuyên suốt quá trình sản xuất.
Một cách làm hay đang được Tập đoàn Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo hàng đầu áp dụng nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA. Theo đó, Lộc Trời hướng tới việc sản xuất theo nhu cầu khách hàng bằng cách khách hàng sẽ đặt hàng ba lần/năm trước mỗi mùa vụ, trừ một số loại gạo đặc biệt như Jasmine chỉ có thể đặt trước một lần trong năm. Từ đơn đặt hàng, Tập đoàn sẽ ký hợp đồng để mảng dịch vụ nông nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên “3 cùng” kiểm soát toàn bộ các khâu trên đồng ruộng theo quy trình SRP (Sustainable Rice Platform - nền tảng lúa bền vững).
Cùng với việc kiên định phát triển phân khúc gạo cao cấp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, việc áp dụng quy trình SRP sẽ giúp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là với thị trường EU - nơi không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường. Năm 2019, Lộc Trời chiếm hơn 17% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia khu vực EU, riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%.
Cách làm của Lộc Trời là một ví dụ sinh động cho thấy sự minh bạch từ người trồng, người bán, cùng chất lượng sản phẩm sẽ tạo vòng tròn niềm tin cho người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây cũng là cách hiệu quả đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Nguồn:Congthuong.vn

Link gốc