menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc “siết” gạo nhập khẩu: đòi hỏi tất yếu!

09:09 09/01/2019

Vinanet - Sắp tới, gạo từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phải đáp ứng nhiều quy định nghiêm ngặt hơn trước.

Điều đương nhiên là các doanh nghiệp gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất định trước yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu, nhưng theo những người trong ngành, đó là đòi hỏi tất yếu trong xu thế thương mại thế giới.

Trung Quốc tăng kiểm soát, gạo Việt Nam giảm

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - một đơn vị có thị trường xuất khẩu gạo chủ lực là Trung Quốc, từ năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước ASEAN. Cụ thể, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu. “Trường hợp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu”, ông Đôn cho biết.

Thông tin nêu trên được ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng phòng Chính sách thương mại nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác nhận và cho biết thời gian áp dụng là từ giữa năm 2019.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã quyết định tăng thuế nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2018, thuế suất nhập khẩu các loại gạo là 40-50%, chỉ riêng gạo tấm là 5%.

Ngược thời gian thêm một chút, hồi năm 2017, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đã chính thức cho phép tổng cộng 22 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu gạo chính ngạch sang quốc gia này. Tuy nhiên, để có “giấy thông hành”, các doanh nghiệp này phải đáp ứng những đòi hỏi của họ bao gồm việc tất cả các lô gạo phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng - từ vùng trồng, nhà máy sản xuất, cho đến kho bãi và công tác khử trùng, trước khi gạo được xuất sang nước họ.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng những quy định nêu trên đã có ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tính đến hết tháng 11-2018, lượng gạo xuất sang thị trường này chỉ đạt 1,3 triệu tấn trong tổng số 5,8 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 22,4% so với con số trên 30% của những năm trước đó.

“Trước những khó khăn về chính sách từ phía đối tác nhập khẩu, lẽ ra, sau khi trao đổi với phía Trung Quốc, cơ quan đại diện của Việt Nam phải thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp”.

Cứ phải làm đúng theo yêu cầu của khách hàng!

Trước những yêu cầu mới của Trung Quốc, khác với ý kiến cho rằng Trung Quốc đang muốn gây khó dễ, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho rằng những yêu cầu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm là một đòi hỏi cơ bản, tất yếu của tất cả các thị trường nhập khẩu. Một khi Việt Nam đã gia nhập thương mại thế giới, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, những yêu cầu của khách hàng đưa ra. “Đây là chuyện chắc chắn phải làm, không chỉ ngành gạo mà các ngành khác cũng vậy”, ông nói.

Nhưng theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, một trong những lý do dẫn đến việc các đơn vị xuất khẩu chậm đáp ứng các yêu cầu là do họ không được cập nhật kịp thời những thay đổi về chính sách từ các thị trường nhập khẩu, mà cụ thể ở đây là thị trường Trung Quốc. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh, nói: “Trước những khó khăn về chính sách từ phía đối tác nhập khẩu, lẽ ra, sau khi trao đổi với phía Trung Quốc, cơ quan đại diện của Việt Nam phải thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp”.

Ông Quang dẫn chứng, từ khi một số doanh nghiệp bị Trung Quốc “tuýt còi” (chỉ còn lại 19 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo chính ngạch) thì cho đến nay vẫn chưa thấy các đơn vị liên quan họp với nhau lần nào, cũng không liên kết lại xem việc giải quyết vấn đề như thế nào. Khi không có sự thông tin rộng rãi thì doanh nghiệp không biết để mà có phương án đối phó. Ông cho biết thêm, hiện Trung Thạnh đã phải mời đối tác bên Trung Quốc sang để họ “hướng dẫn” về chính sách. Nhưng theo ông, đây chỉ là cách tháo gỡ giữa các doanh nghiệp với nhau chứ chưa thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ.

Trong khi đó, theo nhìn nhận của ông Thành, suy cho cùng, những đòi hỏi của Trung Quốc đã được các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu thực hiện từ rất lâu rồi, thậm chí các tiêu chuẩn họ đặt ra còn cao hơn. Vậy nếu doanh nghiệp muốn bán hàng thì cứ phải “làm đúng” theo yêu cầu của khách hàng.

Gần đây, trong một hội nghị ngành lúa gạo tại Cần Thơ, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phân tích thị trường (Agromonitor), cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần “dịch chuyển” sự quản lý từ hành chính sang hỗ trợ, kiến tạo phát triển. “Và như vậy, công tác tháo gỡ những rào cản phát triển, như trường hợp với thị trường Trung Quốc, cần được quan tâm hơn”, ông gợi ý.

Ông Diệu cũng chia sẻ góc nhìn về thị trường Trung Quốc: “Dẫu ngành gạo Việt Nam chỉ mới tập trung vào thị trường Trung Quốc khoảng hơn năm năm gần đây so với lịch sử xuất khẩu gạo từ những năm 1990, nhưng đây là một thị trường khổng lồ và họ đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Do vậy, từ trong nước, ngành gạo cũng cần có những thay đổi phù hợp để có thể tận dụng cơ hội từ thị trường này”.

Nguồn: Thesaigontimes.vn