menu search
Đóng menu
Đóng

TT cao su châu Á ngày 16/7: Giá tại Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp

10:15 16/07/2024

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay giảm phiên thứ ba liên tiếp, do bị áp lực bởi dữ liệu kinh tế suy yếu từ nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc cùng với giá dầu sụt giảm.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa giảm 6,7 JPY, tương đương 2,06% chốt ở 318,2 JPY (2,01 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 75 CNY, tương đương 0,52% chốt ở 14.375 CNY (1.978,64 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 160,8 US cent/kg, giảm 0,1%.
Hai sàn giao dịch hàng hoá quan trọng của Trung Quốc, bao gồm SHFE, sẽ giảm một nửa phí phòng ngừa rủi ro đối với các mặt hàng được niêm yết để giảm chi phí cho người dùng và tăng cường tham gia vào thị trường tiêu dùng hàng hoá lớn nhất thế giới.
Đồng Yên tiếp tục giảm so với đồng USD, giao dịch ở mức 158,54 JPY đổi 1 USD, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng ở 157,165 JPY/USD. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chậm lại trong quý II, do suy thoái trong lĩnh vực bất động sản kéo dài và tình trạng bất ổn việc làm gây áp lực lên nhu cầu trong nước, làm gia tăng kỳ vọng chính quyền Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa.
Theo cuộc thăm dò của Reuters, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ trong quý II, chậm lại từ mức 5,3% trong quý trước và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý III/2023.
Các số liệu này được đưa ra khi Bắc Kinh đang tìm cách củng cố niềm tin vào nền kinh tế tại Hội nghị Trung ương 3, tuy nhiên các mục tiêu có vẻ đang "mâu thuẫn", như thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm nợ sẽ làm kế hoạch này gặp khó khăn.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Đầu phiên giao dịch châu Á, giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu tại nước nhập khẩu hàng đầu – Trung Quốc, làm lu mờ thông tin kinh tế hỗ trợ từ Mỹ, nguồn cung OPEC+ hạn chế và căng thẳng đang diễn ra tại Trung Đông.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters