menu search
Đóng menu
Đóng

TT lúa gạo châu Á: Giá đồng loạt tăng

22:24 08/04/2018

Vinanet - Giá gạo xuất khẩu tuần này tăng trên tất cả các thị trường xuất khẩu chủ chốt. Gạo Thái Lan và Việt Nam tăng sau khi ký được hợp đồng với Indonesia, còn gạo Ấn Độ tăng bởi nhu cầu vẫn mạnh.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog) đã mua khoảng 500.000 tấn gạo, trong đó 300.000 tấn của Việt Nam và 200.000 tấn của Thái Lan.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng lên 430 – 448 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 415 – 435 USD/tấn một tuần trước đây.
Tại Thái Lan, một số nhà xuất khẩu bắt đầu mua gạo để dự trữ, nhưng nhiều người khác vẫn có thái độ chờ đợi. Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu Thái Lan cho biết: “Họ có thể đã nhận được một số đơn hàng mới, và dự báo rằng giá sẽ tăng hơn nữa”, và thêm rằng: “Còn với công ty tôi, toàn bộ khách hàng vẫn đang chờ và quan sát (chứ chưa mua), vì giá quá cao”.
Tại Việt Nam, giá tăng tuần thứ 2 liên tiếp do ký được hợp đồng bán cho Indonesia, và dự báo sắp ký được hợp đồng với Philippines.
Gạo 5% tấm giá tăng lên 425 – 430 USD/tấn, từ mức 410 – 428 USD/tấn một tuần trước đây.
“Chúng tôi nghe tin Philippines sắp mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo, có thể cuối tuần này hoặc tuần tới”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, và thê rằng: “Tôi nghĩ giá sẽ vẫn cao do nhu cầu tăng, mặc dù đã giữa vụ thu hoạch Đông – Xuân”.
Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm giá tăng 2 USD/tấn lên 427 – 431 USD/tấn do nhu cầu vẫn cao trong khi nguồn cung hạn hẹp.
“Nhu cầu từ các khách hàng châu Phi đã được cải thiện”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền Nam - Andhra Pradesh- cho biết.
Trong khi đó, nhập khẩu từ nước láng giềng Bangladesh dự báo sẽ chậm lại trong những tháng tới, giám đốc cơ quan lương thực Bangladesh, ông Badrul Hasan, cho biết.
“Chúng tôi đã có đủ gạo dự trữ và đang bán gạo trợ cấp để kéo giá trong nước giảm xuống”, ông Hasan cho biết.
Dự trữ gạo của Chính phủ nước này hiện đạt gần 1 triệu tấn, sau khi đã nhập khẩu trên 3,5 triệu tấn trong vòng 9 tháng tính tới hết tháng 3/2018, theo số liệu của Bộ Lương thực Bangladesh.
Một số thông tin liên quan
Malaysia đủ gạo dự trữ
Chính phủ Malaysia luôn đảm bảo đủ gạo trong kho dự trữ, bao gồm cả dự trữ phòng thiên tai cũng như cho mùa lễ hội.
Bộ trưởng Nông nghiệp Datuk Seri Ahmad Shabery Cheek cho biết dự trữ gạo quốc gia hiện đạt 150.000 tấn.
“Để đảm bảo cung đủ đáp ứng cầu, chính phủ cũng hợp tác với các nước láng giềng. Nếu trong nước thiếu cung, chúng tôi có thể có ngay nguồn cung từ các nước láng giềng”, ông cho bieetgs.
Xuất khẩu gạo Campuchia giảm do thiếu lúa nguyên liệu
Xuất khẩu gạo của Campuchia quý 1/2018 giảm khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 161.115 tấn (so với mức 166.678 tấn cùng quý năm 2017), theo báo cáo chính thức từ Chính phủ nước này.
Trong tháng 3/2018, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 50.683 tấn, giảm khoảng 12,7% so với mức 57.127 tấn cùng kỳ năm 2017. Hun Lak, phó chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) cho biết , xuất khẩu gạo giảm nhẹ trong quý 1/2018 do các nhà máy xay xát không có đủ nguyên liệu. “Một số nhà xay xát lớn bị thiếu lúa nguyên liệu do các nước láng giềng liên tục mua lúa gạo Campuchia từ cuối năm 2017”, ông Lak cho hay, và thêm rằng: “Giá gạo thế giới đang tăng và nhu cầu cũng tăng nên các nước láng giềng đặt những đơn hàng lớn cho các kho dự trữ gạo của họ”. Ông Lak dự báo trong 3 tháng tới tình hình sẽ chưa cải thiện nhiều vì các nhà máy xay xát vẫn khó thu mua lúa nguyên liệu.
EU điều tra xuất khẩu gạo Campuchia
Ủy ban châu Âu (EC) đã có đầy đủ bằng chứng để triển khai một cuộc điều tra xem gạo Campuchia xuất khẩu sang EU có gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất lúa gạo châu Âu hay không, có khả năng sẽ xóa bỏ cơ chế cho phép Campuchia xuất khẩu gạo miễn thuế vào khối này.
Cuộc điều tra đã bắt đầu từ ngày 16/3 vừa qua theo đề xuất của Italia, khi nước này kêu gọi EU triển khai “các biện pháp bảo vệ” – phổ biến nhất là hạn ngạch hoặc thuế nhập khẩu – đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar, theo một thông báo điều tra do các nhà chức trách EU ban hành. “Với đầy đủ bằng chứng để bắt đầu, EC sẽ tiến hành một cuộc điều tra theo điều 24 Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)”.
Thị phần của Campuchia trên thị trường EU tăng từ 13% cách đầy 5 năm lên 21% năm 2017, theo thống kê của EU. Trong khi đó, thị phần gạo của các nước châu Âu giảm từ 52% xuống còn 32% trong cùn khoảng thời gian đó. Người trồng lúa Italia khiếu nại về nhập khẩu gạo Campuchia từ năm 2014 đến nay nhưng đây là lần đầu tiên EC tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Các quy định của EU nêu rõ việc điều tra phải kết thúc trong vòng 1 năm kể từ ngày bắt đầu là 16/3 vừa qua.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet