Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuần này báo giá loại đồ 5% tấm là 367-370 USD/tấn, tăng so với 365 – 367 USD/tấn cách đây một tuần. Nhu cầu từ khách hàng nước ngoài đối với gạo Ấn Độ vẫn thấp và chưa chắc sẽ tăng lên trong vài tuần tới, trừ khi giá hạ xuống.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá đã tăng lên 390 – 397 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 393 – 404 USD/tấn cách đây một tuần. Nguyên nhân giá tăng do nguồn cung trong nước đang giảm theo mùa vụ.
“Giá gạo Thái Lan thường tăng lên vào mùa mưa, là khi nguồn cung ít đi và chi phí vận tải tăng lên”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Đồng baht của Thái Lan hiện ở mức cao nhất gần 6 năm so với USD càng góp phần đẩy giá gạo Thái Lan tăng lên và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của mặt hàng này.
“Nhu cầu gần như không thay đổi suốt từ đầu năm, và các nhà xuất khẩu chỉ bán được gạo cho những khách hàng truyền thống của họ”, một thương gia khác cho biết, và thêm rằng: “Nguồn cung tiếp tục giảm vì mùa mưa kéo dài ít nhất tới tháng 8, khi có gạo vụ mới”.
Nhu cầu gạo Việt Nam tuần này cũng yếu nên giá loại 5% tấm giảm xuống 340 – 345 USD/tấn, từ mức 345-350 USD/tấn cách đây một tuần. Hoạt động giao dịch nhìn chung trầm lắng vì đang thu hoạch lúa Hè Thu khiến nguồn cung dồi dào.
Tại Bangladesh, Bộ trưởng Nông nghiệp Abdur Razzak đầu tuần này cho biết các thương gia đang thương lượng với Philippines về hợp đồng xuất khẩu gạo. Nước Nam Á này có thể xuất khẩu 200.000 đến 300.000 tấn gạo sang Philippines.
Bangladesh thường sản xuất gạo đồ, và nước này gần đây đã xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu áp dụng đã tư lâu, với hy vọng có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn để hỗ trợ người trồng lúa trong bối cảnh giá gạo trong nước giảm nhanh. Tuy nhiên, mặc dù giá giảm, Bangladesh vẫn khó xuất khẩu bởi giá gạo Bangladesh trên thế giới còn cao hơn cả gạo Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Myanmar, giá gạo bán trong nước tăng mặc dù giá gạo xuất khẩu giảm. Gạo trên thị trường nội địa có giá 22.000 – 23.000 Kyat/bao trong khi gạo xuất khẩu (loại chất lượng tháp) giá 270 – 275 USD/tấn (năm 2014 loại này giá 330 340 USD/tấn).
Ngày 6/6, Bộ Thương mại (MOC) Myanmar thông báo sẽ cho phép công ty nước ngoài và liên doanh xuất khẩu gạo và một số mặt hàng khác bao gồm thịt và cá, cây trồng giá trị gia tăng, bột giấy và giấy, hạt giống, kim loại tinh chế, các sản phẩm trái cây bán thành phẩm hoặc thành phẩm và đồ gỗ.
Theo đó, Các công ty nước ngoài được những bộ có liên quan giới thiệu có thể mua hàng hóa từ nhà sản xuất trong nước và sẽ được cấp giấy phép xuất khẩu. Mục đích chính sách này là để nâng cao chất lượng xuất khẩu của Myanmar và thúc đẩy nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa địa phương, cũng như tăng thu nhập cho các nhà sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, các công ty nước ngoài ở Myanmar sẽ được phép xuất khẩu gạo giá trị gia tăng và gạo tấm cũng như đậu, đậu và ngô, theo Myanmar Times.
Cạnh tranh có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn đối với các nhà sản xuất trong nước khi công ty nước ngoài có nguồn vốn và mạng lưới tiếp thị lớn hơn, ông U Than Oo, thư ký của thị trường hàng hóa gạo Bayintnaung ở Yangon, cho biết.
Myanmar đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo trị giá 470 triệu USD trong giai đoạn tháng 10/2018 - tháng 5/2019. Một phần ba số gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc qua biên giới, trong khi EU và châu Phi chiếm khoảng 45% xuất khẩu, theo Liên đoàn Gạo Myanmar.
Gần đây, Ủy ban Đầu tư Myanmar đã cho phép Wilmar International, công ty niêm yết tại Singapore, thành lập một liên doanh địa phương, Wilmar Myanmar Riceland, để sản xuất, bán và phân phối gạo, cũng như các sản phẩm liên quan đến gạo gồm gạo, bột gạo, cám gạo, dầu cám gạo và gạo trấu tại cảng Thilawa, Yangon.
Cũng liên quan tới Myanmar, mới đây có thông tin Trung Quốc sẽ mua một lượng gạo trị giá 500 triệu USD của Myanmar và quốc gia này dự định nhập khẩu số máy móc và thiết bị có giá trị tương đương từ Trung Quốc.
Theo BNEWS/TTXVN, Myanmar có kế hoạch xuất khẩu số lượng gạo có giá trị 500 triệu USD sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2019, theo một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Theo ông U Aung Htoo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Myanmar, một báo cáo của tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) cho hay Trung Quốc sẽ mua một lượng gạo trị giá 500 triệu USD của Myanmar và quốc gia này dự định nhập khẩu số máy móc và thiết bị có giá trị tương đương từ Trung Quốc.
Cũng theo ông U Aung Htoo, để thực hiện kế hoạch trên, Myanmar sẽ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc thông qua đường biển vào tháng 10/2019 theo thỏa thuận cấp chính phủ cũng như theo chương trình hợp tác giữa Côn Minh và Yangon.
Myanmar xuất khẩu khoảng 60% sản lượng gạo sang thị trường Trung Quốc, trong khi các nước châu Á khác, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một số nước châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi đầu năm 2019 dự báo trong thời gian tới, Myanmar có thể phải đối mặt với những rủi ro kinh tế liên quan đến vấn đề khủng hoảng người Rohingya, tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô, khả năng EU bãi bỏ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho quốc gia Đông Nam Á này và kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng chậm lại.
Nguồn:Vinanet