Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 3 USD/tấn lên 422 – 426 USD/tấn, là tuầnt hứ 2 tăng liên tiếp.
“Nhu cầu từ các nước châu Phi đang tăng lên. Khách hàng châu Á cũng đang quan tâm tới gạo Ấn Độ”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada cho biết.
Nguồn cung đang giảm, buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá bán, một nhà xuất khẩu khác cũng ở Kakinada cho biết.
Xuất khẩu gạo non basmati Ấn Độ trong giai đoạn tháng 4-12/2017 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước do Bangladesh và Benin tăng mua.
Trong khi đó, nhu cầu từ Bangladesh dự báo sẽ duy trì vững trong vài tháng tới, bởi giá nội địa nước này vẫn cao, Reuters dẫn lời một quan chức của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá cũng tăng lên 408 – 410 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 395 – 400 USD/tấn một tuần trước đây, trong bối cảnh baht tăng giá và hy vọng sẽ ký được hợp đồng với Philippines.
Có tin cuối tháng này Philippines sẽ mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn, và nhiều nhà xuất khẩu Thái Lan rất quan tâm tới hợp đồng này.
“Biến động giá lúc này chỉ tuỳ thuộc và tỷ giá vì hiện không có hợp đồng mới”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Baht Thái tăng tuần thứ 2 liên tiếp, khiến giá hàng xuất khẩu của Thái quy ra USD đắt lên. Các thương gia Thái cho rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bắt đầu mua gạo gạo vì giá hiện đang thấp.
Gappingworld đưa tin, giá gạo Thái tăng còn do thông tin Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 100.000 tấn gạo trắng 5% tấm vụ mới với giá 456 USD/tấn, FOB, đóng gói bao 50kg và 461 USD/tấn, FOB, đóng gói bao 25kg. Đây sẽ là chuyến gạo xuất khẩu thứ 5 theo thỏa thuận G2G Thái Lan – Trung Quốc ký kết vào tháng 12/2015. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ đảm nhận việc giao hàng theo hợp đồng này. Chính phủ Thái Lan đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc thu xếp triển khai mua 500.000 tấn gạo còn lại theo thỏa thuận chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Chính phủ Thái Lan vẫn đang lên kế hoạch triển khai bán đấu giá 2 triệu tấn gạo chất lượng kém (không dùng làm thực phẩm) còn lại trong kho vào tháng 4/2018. Chính phủ dự kiến nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ tham gia vào đợt đấu giá này khi còn có 1.4 triệu tấn gạo đủ chất lượng sản xuất TĂCN sẽ được đấu giá trong đợt này; 600.000 tấn còn lại là gạo hư hỏng và chỉ sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học và phân bón.
Gạo Việt Nam cũng tăng giá, với loại 5% tấm tăng lên 418 – 425 USD/tấn, từ mức 410 – 415 USD/tấn một tuần trước đây, trong bối cảnh nông dân kỳ vọng Việt Nam sẽ ký được hợp đồng mới bán gạo liên chính phủ, mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam đang giảm.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết: “Chúng tôi rất khó chốt hợp đồng mới vì giá gạo Việt đang khá cao (so với những xuất xứ khác)”. Thương gia này cho biết thêm rằng khách hàng đang tìm kiếm mức giá 405 – 408 USD/tấn.
Việt Nam đã xuất khẩu 339.706 tấn gạo trong tháng 2, giảm 31% so với tháng 1, nhưng xuất trong 2 tháng đầu năm tăng 13,2% lên 831.504 tấn, theo số liệu của Hải quan. Dự kiến xuất khẩu trong cả năm nay có thể đạt 6,5 triệu tấn.
Tại Campuchia, từ đầu tháng 2/2018, giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu cao từ Trung Quốc và EU, Khmer Times dẫn nguồn tin từ một đại diện của một công ty xuất khẩu gạo Campuchia. Ông Hun Lak, chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia, cho biết giá gạo thường thành phẩm Campuchia hiện có giá 480 USD/tấn, so với mức giá 450 USD/tấn cách đây 3 tuần. Giá gạo thơm (hay còn gọi là sen kro oup) cũng đang tăng, hiện đã chạm mốc 775 USD/tấn, từ mức 735 USD/tấn hồi đầu tháng 2. “Giá lúa và giá gạo cùng tăng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng. Nguyên nhân chính là do nhu cầu đối với gạo tại EU và Trung Quốc tăng, cung không đáp ứng đủ cầu”, ông Lak cho biết. Năm 2017, Campuchia sản xuất 10 triệu tấn lúa và thặng dư 4 tấn. Campuchia đã xuất khẩu 635.679 tấn gạo sang hơn 60 nước trong năm 2017, tăng 17,3% so với năm 2016.
Một số thông tin liên quan
Đồng Baht mạnh lên kìm hãm xuất khẩu gạo Thái Lan trong tháng 2/2018
Xuất khẩu gạo Thái Lan trong tháng 2/2018 ước tính giảm do nguồn cung trong giai đoạn thấp điểm và đồng Baht tiếp tục mạnh lên. Xuất khẩu gạo trong tháng 1/2018 đạt gần 1 triệu tấn. Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết xuất khẩu gạo Thái Lan trong tháng 2/2018 ước đạt 800.000 tấn, giảm từ mức 1 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2017. Ông cho rằng biến động kỷ giá và kỳ nghỉ năm mới Tết nguyên đán kéo dài là các yếu tố kìm hãm xuất khẩu. Theo ông Charoen, đồng Baht mạnh trở thành một rào cản cho xuất khẩu gạo Thái Lan, do đồng nội tệ mạnh lên khiến gạo Thái Lan, đặc biệt là gạo thơm Hom Mali, trở nên kém cạnh tranh.
Sản lượng gạo jasmine Thái Lan giảm lần đầu tiên trong 1 thập kỷ
Sản xuất gạo cao cấp của Thái Lan dự báo sẽ giảm trong năm 2018, lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu trồng mở rộng lúa gạo jasmine 1 thập kỷ trước, trong nỗ lực chuyển đổi ngành nông nghiệp sang các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn. Lý do bởi thời tiết bất lợi và chính sách của chính phủ. Diễn biến sản xuất này sẽ có tác động lên xuất khẩu gạo nói chung của Thái Lan trong năm 2018, vốn đã là năm khó khăn cho các nhà xuất khẩu khi đồng Baht liên tục tăng giá so với đồng USD.
PhilRice: Philippines vẫn cần nhập khẩu gạo
Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo Philippines (PhilRice), tồn kho gạo từ vụ sản xuất năm 2017 và nguồn cung lúa gạo vụ mới năm 2018 có thể đảm bảo nguồn cung trong vòng 3 tháng cho Philippines, nhưng khẳng định nước này vẫn cần nhập khẩu gạo để dự phòng cho các tháng sản xuất thấp điểm.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet