menu search
Đóng menu
Đóng

TT lúa gạo châu Á: Giao dịch trầm lắng ở TL và VN, giá tăng ở Ấn Độ

16:42 04/08/2017

Vinanet - Giá gạo tại Ấn Độ tăng trong tuần qua do đồng rupee mạnh nhất trong vòng 2 năm so với USD, trong khi các thị trường Thái Lan và Việt Nam tiếp tục trầm lắng trước khi vào vụ thu hoạch, dự kiến trong tháng này.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo đồ 5% tấm giá tăng 6 USD/tấn lên 406 – 409 USD/tấn do rupee đạt mức cao nhất 2 năm, mặc dù nhu cầu nhìn chung vẫn yếu.
“Rupee tăng buộc chúng tôi phải nâng giá xuất khẩu, khiến gạo Ấn Độ trở nên đắt hơn so với những đối thủ khác”, Reuters dẫn lời thương nhân thuộc một công ty kinh doanh gạo ở Delhe cho biết.
Rupee đã tăng giá gần 7% từ đầu năm tới nay, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Nguồn cung giảm trước vụ thu hoạch – dự kiến vào cuối tháng 9 – cũng góp phần đẩy giá lúa trong nước tăng lên.
“Chúng tôi phải nâng giá xuất khẩu theo giá trong nước”, Reuters dẫn lời một thương nhân thuộc công ty xuất khẩu ở Kakinada ở bang Andhra Pradesh – miền Nam Ấn Độ, cho biết.
Bangladesh vẫn tiếp tục tìm mua gạo để làmđầy kho dự trữ đã bị cạn kiệt sau đợt lũ lụt. Hợp đồng với Ấn Độ tuần này đã bị huỷ bỏ vì Ấn Độ không chào lại giá bán mới trong thời gian quy định, lãnh đạo của công ty thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm xuống 390 – 392 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 395 – 408 USD/tấn tuần trước.
“Thị trường trầm lắng. Giá lẽ ra còn giảm hơn nữa nếu đồng baht Thái không mạnh lên”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Baht hiện giao dịch ở mức 33,26 THB, cao nhất trong vòng hơn 2 năm.
Giá gạo trắng vụ phụ, trồng chủ yếu ở khu vực miền Trung, dự kiến sẽ được bán trên thị trường từ giữa tháng 8 tới tháng 9. Khu vực Đông Bắc Thái Lan, nơi sản xuất lúa chính của nước này, đã bị lũ lụt từ cuối tháng 7.
Chính phủ Thái Lan tuần này cho biết chắc chắn sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu. Từ đầu năm tới nay Thái Lan đã xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giá vững ở mức 400 – 405 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu thấp và giá gạo thương phẩm cao.
“Chúng thôi hy vọng thị trường sẽ sôi động trở lại từ cuối tháng 8, khi vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu”, Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho biết. Một thương nhân khác thì cho rằng có một số khách hàng châu Phi hỏi mua nhưng chưa ký kết hợp đồng.
Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,4 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 25/7/2017, NFA đã tổ chức mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo (25% tấm). Trước đó vào đầu tháng 7/2017, NFA đã chính thức công bố Philippines sẽ cung cấp số ngân sách là 5,6 tỷ peso để nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong kế hoạch chương trình nhập khẩu Chính phủ-tư nhân, thay vì là liên Chính phủ như trước đây. Điều đó đồng nghĩa là nước này sẽ mua từ các nhà cung cấp tư nhân, thay vì qua hợp đồng ký với các chính phủ nước ngoài như trước đây.
Điều kiện tham gia đấu thầu lần này khó hơn rất nhiều so với trước đây. Cụ thể:
- Khác với những lần đấu thầu trước đây, tức là chỉ có Việt Nam và Thái Lan được mời tham dự, thì lần này có cả Ấn Độ, Pakistan, thậm chí một số Tập đoàn lớn của các quốc gia khác cũng tham dự nên áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn.
- NFA chia lượng gạo đấu thầu thành 8 lô, trong đó, có hai lô 50.000 tấn và sáu lô 25.000 tấn. Theo đó, các nhà thầu tiềm năng có thể bỏ thầu cho bất cứ lô hàng nào miễn là phải chào đúng số lượng gạo nhập khẩu đã được xác định cho mỗi gói thầu, nhưng lượng tối đa được trúng thầu cho từng nhà cung cấp không cao hơn 50.000 tấn.
- Một doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu gói nào thì trước đó 2-3 năm đã phải ký hợp đồng và giao hàng với số lượng tương ứng mới được tham gia đấu thầu. Ví dụ, để tham gia gói 50.000 tấn thì trong vòng 2-3 năm trở lại đây doanh nghiệp đó phải có ký hợp đồng và đã giao là 50.000 tấn mới được ký. Còn muốn đăng ký gói 25.000 tấn, thì trước đó cũng phải ký được hợp đồng và giao hàng lô gạo 25.000 tấn.
Vietnamplus dẫn lời ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ), khẳng định không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này, do Việt Nam có nhiều doanh nghiệp bán vào Philippines 100.000-200.000 tấn nhưng các doanh nghiệp ký một hợp đồng 25.000 tấn hay 50.000 tấn là không nhiều, mà chỉ ký mỗi lần 3.000-5.000 tấn và khi thực hiện xong thì ký tiếp.
- Đơn vị trúng thầu dự kiến sẽ giao hàng cho Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2017, tức trong mùa giáp hạt của quốc gia này (từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm).
Trước việc Philippines thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu theo thỏa thuận cấp Chính phủ (G2G) sang đấu thầu mở quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và có cách tiếp cận mới trong việc tổ chức doanh nghiệp tham gia dự thầu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã rất tích cực trong việc tìm hiểu, phổ biến thông tin tới các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và hỗ trợ các thương nhân đăng ký dự thầu, góp phần vào thành công của đợt dự thầu này.
Để triển khai thực hiện tốt hợp đồng, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp và của xuất khẩu gạo Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân trúng thầu chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hợp đồng và kịp thời báo cáo các vướng mắc phát sinh (nếu có) với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để được hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp.
Theo kết quả được NFA công bố, các thương nhân Việt Nam đã trúng 6 trên 8 lô thầu, với tổng khối lượng là 175.000 tấn, chiếm 70% tổng lượng gạo mở thầu nhập khẩu lần này.
4 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu là Tổng công ty Lương thực miền Nam (50.000 tấn), Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (50.000 tấn), Công ty cổ phần Quốc tế Gia (50.000 tấn) và Công ty cổ phần Hiệp Lợi (25.000 tấn). Kết quả trúng thầu này sẽ góp phần tích cực cho việc tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân, đặc biệt là tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa vụ Hè Thu.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,87 triệu tấn gạo trị giá 1,27 tỷ USD trong đó Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc.
Một số thông tin liên quan
Bangladesh mở thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo
Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh ngày 1/8 đã mở cuộc đấu thầu quốc tế lần thứ 7 kể từ tháng 5 tới nay để nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ nhằm làm đầy kho dự trữ đang cạn kiệt.
Thời hạn bỏ thầu trước ngày 20/8, gạo sẽ giao trong vòng 40 ngày kể từ khi ký hợ đồng.
Cơ quan này dự kiến sẽ mua tổng cộng 1,2 triệu tấn gạo trong năm nay, và tới nay đã ký hợp đồng mua một số của Việt Nam.
Kế hoạch nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan đã bị tạm dừng do giá cao và Chính phủ Bangladesh đã chuyển hướng sang tìm mua của Campuchia để thay thế.
Bangladesh đã mua 200.000 tấn gạo trắng của Việt Nam với giá 430 USD/tấn và 50.000 tấn gạo đồ với giá 470 USD/tấn theo hợp đồng liên chính phủ, cao hơn nhiều so với mức giá ở những cuộc đấu thầu trước.
Reuters dẫn tin từ Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak cho biết ngày 2/8, Bangladesh đã ký một thỏa thuận với Campuchia mua 1 triệu tấn gạo trong 5 năm tới. Bộ trưởng Pan Sorasak và Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Kamrul Islam đã ký Bản ghi nhớ tại Phnom Penh. Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ mua 200.000 tấn gạo trắng và 50.000 tấn gạo đồ trong năm 2017. Ông Sorasak cho biết Campuchia có thể xuất khẩu gạo sang Bangladesh vào khoảng tháng 10 tới sau khi ký thỏa thuận này.
Campuchia cho biết đây là thỏa thuận xuất khẩu gạo lớn nhất của nước này và đang có kế hoạch ký một thỏa thuận mới với Indonesia. Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia, bộ này muốn thúc đẩy một thỏa thuận bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu 288.562 tấn gạo, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, nhưng năm nay phải nhập khẩu mặt hàng này với số lượng lớn sau khi các trận lũ lụt hồi tháng 4 làm giảm sản lượng trong nước, khiến nước này phải đối phó với dự trữ lương thực giảm và tiêu thụ trong nước cao.
Các công ty tư nhân của Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 150.000 tấn gạo từ nước láng giềng Ấn Độ sau khi chính phủ hạ thuế nhập khẩu vào cuối tháng 6.
Giá gạo tại Bangladesh hiện mới chỉ giảm nhẹ mặc dù Chính phủ đã tích cực nhập khẩu trong thời gian gần đây, điều này có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới.
Tiềm năng khổng lồ của thị trường gạo Trung Quốc
Trang tin về dữ liệu, phân tích về nông nghiệp Informa Agribusiness Intelligence mới đây đã đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ chốt hấp dẫn nhất. Một số đổi mới cơ bản trong khung chính sách nông nghiệp và sự chuyển dịch trong nhu cầu tiêu thụ nông sản sẽ kéo theo sự thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế này trong vài năm tới.
Đối với mặt hàng gạo, việc giảm diện tích gieo trồng đi kèm với thị hiếu của người tiêu dùng chuyển sang sử dụng gạo chất lượng cao dẫn đến sản lượng gạo của Trung Quốc giảm theo. Nhu cầu thực phẩm được dự đoán sẽ tăng từ từ do yếu tố nhân khẩu học và sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người dân. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng không quá mạnh trong vòng thập kỷ tới.
FAO nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2017
FAO vừa nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2017 thêm 930.000 tấn so với dự báo hồi tháng 4, lên 44,2 triệu tấn, tức tăng 7% so với thương mại gạo thế giới năm 2016. Với mức tăng này, năm 2017 sẽ là năm thương mại gạo toàn cầu mở rộng trở lại lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua.
Tăng trưởng thương mại dự báo bị chi phối bởi nhu cầu tăng và tập trung tại châu Á, thị trường có những người mua đang tìm đến thị trường quốc tế để tăng cường kho dự trữ và/hoặc giảm nhẹ áp lực tăng giá trên thị trường nội địa. Bất chấp mức tăng trưởng thấp hơn, các thị trường châu Phi cũng được dự báo tăng nhập khẩu, trong khi nguồn cung nội địa dồi dào có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Nam Mỹ, các nước vùng Caribean, châu Âu và Mỹ.
Về phía xuất khẩu, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi phần lớn tăng trưởng thương mại trong năm 2017. Thương mại gạo giữa Trung Quốc đại lục và Myanmar cũng được dự báo tăng trong năm 2017 do giá giao dịch hợp lý. Úc, Paraguay, Mỹ và Uruguay cũng đang dựa vào nguồn cung nội địa dồi dào để tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2017. Ngược lại, sản lượng giảm hoặc cạnh tranh mạnh là nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Pakistan và Nga, trong khi hạn chế xuất khẩu là nguyên nhân chính làm xuất khẩu gạo của Ai Cập giảm.
Thái Lan có thể xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm 2017
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn cho biết Thái Lan chắc chắn sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn gạo trong năm nay.
“Hiện Thái Lan đang thương lượng với nhiều nước như Sri Lanka và Bangladesh” và “điều này có thể giúp cải thiện giá và đẩy lượng xuất khẩu lên 11 triệu tấn”, ông này cho biết.
Mục tiêu ban đầu của Chính phủ Thái Lan là xuất khẩu 10 triệu tấn gạo. Cho tới thời điểm này, khối lượng xuất khẩu đã đạt 6,3 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016, khối lượng xuất khẩu đạt 9,63 triệu tấn.
Một số tỉnh thuộc khu vực bắc và đông bắc – nơi trồng lúa chính của nước này – đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt từ tháng 7. Có 400.000 ha lúa ở các khu vực đó bị lũ lụt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái, Chookiat Ophaswongse, lũ lụt không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo, và hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về mức độ thiệt hại đối với vụ mùa lúa.
Mưa thất thường có thể ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng ở Ấn Độ
Lượng mưa năm nay ở Ấn Độ trung bình nhiều hơn 1% so với mức thông thường, nhưng phân bổ thất thường, gây lụt ở một số khu vực trong khi hạn hán ở một số nơi khác khiến triển vọng sản lượng cây trồng vụ hè trở nên xấu đi.
Mưa thất thường có thể làm giảm sản lượng ngũ cốc mặc dù diện tích trồng tăng, buộc Ấn Độ phải tăng nhập khẩu hạt có dầu, đường và đậu đỗ, và có thể phải hạn chế xuất khẩu bông, gạo và một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Khu vực Marathwada của vùng Surywanshi thuộc miền Trung nhận được lượng mưa ít hơn 21% so với bình thường, trong khi một số khu vực miền Bắc có lượng mưa giảm 34%.
Trái lại, những diện tích cây trồng ở miền Tây như vùng Rajasthan có lượng mưa nhiều hơn 126% so với thông thường.
Trồng trọt ở Ấn Độ phụ thuộc tới 70% vào nước mưa tự nhiên vì một nửa diện tích đất trồng còn thiếu hệ thống kênh mương tưới tiêu.
Nguồn: VITIC/Reuters, FAO

Nguồn:Vinanet