menu search
Đóng menu
Đóng

TT lúa gạo thế giới: Giá gạo Ấn Độ cao nhất 3 tháng, gạo VN giảm

10:00 21/12/2018

Vinanet -Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ đã lên cao nhất trong hơn ba tháng vì một khu vực sản xuất chính tăng giá thóc thu mua tại địa phương, trong khi những lo ngại về các qui định chặt chẽ hơn của Trung Quốc gây áp lực lên thị trường Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm tại Ấn Độ được niêm yết ở mức 375 - 382 USD/tấn trong tuần này, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 7/9/2018.
Chính quyền bang Chhattisgarh, khu vực sản xuất gạo hàng đầu tại Ấn Độ Ấn Độ, đã tăng giá mua thóc tối thiểu lên 2.500 rupee/100kg, từ mức 1.750 rupee hồi đầu tuần.
"Các nhà nhập khẩu không muốn nâng giá mua vào. Do đó xuất khẩu có thể sẽ chậm lại trong những tháng tới", Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, phía nam bang Andhra Pradesh, cho biết.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm dao động trong khoảng 390 - 391 USD/tấn (FOB Bangkok) so với mức 385 - 393 USD cách đây một tuần. Thị trường dự báo sẽ trầm lắng cho đến sau Tết dươnglịch.
"Đây là một mức giá hợp lý vì đã gần đến cuối năm. Không có nhiều hoạt động ở thị trường quốc tế và chúng tôi cũng đang trong mùa thu hoạch", theo một thương nhân có trụ sở tại Bangkok.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm trong tuần thứ 5 liên tiếp xuống còn 385 USD/tấn trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
"Giá tiếp tục giảm vì chúng tôi lo ngại động thái của Trung Quốc trong việc áp các điều kiện khắt khe hơn đối với gạo Việt Nam sẽ có ảnh hưởng lâu dài", Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho biết. Một thương gia khác cho biết: "Vẫn chưa rõ nếu Trung Quốc mua nhiều hơn từ Campuchia và Myanmar và giảm nhập từ Việt Nam hay không".
Nguồn cung từ Việt Nam sẽ tăng từ cuối tháng tới khi vụ thu hoạch đông xuân bắt đầu.
Trong khi đó, Bangladesh, nổi lên là nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 do nguồn dự trữ cạn kiệt sau lũ lụt, đã tăng cường thu mua thêm gạo tại địa phương sau khi sản lượng được cải thiện, một quan chức của bộ lương thực quốc gia này cho biết.
"Các phản hồi từ nông dân rất tích cực và nỗ lực mua sắm sẽ được tiếp tục", vị quan chức cho biết.
Theo Tùy viên của Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Bangladesh, sản lượng gạo nướcnày trong năm 2018/2019 dự kiến đạt 34,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với năm trước. Tính tới thời điểm này, quốc gia Nam Á đã mua hơn 1,3 triệu tấn gạo tại địa phương trong mùa hiện tại để xây dựng kho dự trữ quốc gia.
Một số thông tin liên quan
Xuất khẩu gạo Ấn Độ dự kiến phục hồi trong 2019 nhờ nhu cầu mạnh mẽ
Vietnambiz dẫn nguồn Business Standard cho biết, sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu gạo Ấn Độ trong vài tháng qua là một phần của chu kì hàng năm và khối lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng vào năm 2019, sau khi có nhu cầu từ Trung Đô ng cũng như các thị trường mới khác.
"Theo dữ liệu của chúng tôi, xuất khẩu gạo Ấn Độ trị giá hơn 183 triệu USD trong quí này (tính đến tháng 11). Với nhu cầu theo mùa hàng năm từ Trung Đông tăng lên, và khối lượng gạo non-basmati xuất sang Trung Quốc nhiều hơn, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể hy vọng việc kinh doanh sẽ tăng trưởng trong những tháng tới", ông Pushkar Mukewar, đồng sáng lập của công ty tài chính Drip Capital có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, theo ông, các nhà xuất khẩu dường như không thấy được lợi ích từ cơ hội gia tăng này nếu họ không thể tiếp cận tín dụng cần thiết.
Tổng khối lượng xuất khẩu gạo đã cải thiện và đến cuối tháng 9, giá trị xuất khẩu gạo đạt 6,87 tỉ USD so với mức 5,8 tỉ USD trong cùng kì năm 2017.
Vì vậy, Business Standard cho biết, không cần lo ngại khi nhu cầu và khối lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2019. Các thị trường mới cũng mở cửa cho gạo Ấn Độ, với Trung Quốc được xem như một cơ hội lớn.
Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ thương mại Trung Quốc chỉ trong dài hạn.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Bangladesh đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, dù đã có sự sụt giảm trong giai đoạn tháng 4 - 9. Nhìn chung xuất khẩu gạo sang Bangladesh trong ba quí đầu năm đã tăng 91,7 triệu USD mỗi năm.
Dựa trên sự gia tăng nhu cầu mạnh mẽ, có 6 cơ hội thị trường tiềm năâtsg khác cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ, gồm Qatar, Yemen, Israel, Philippines, Kenya và Ukraine.- Vietnambiz
Lộc Trời bắt tay Phoenix phát triển lúa gạo bền vững
Nhipcaudautu đưa tin, tập đoàn Phoenix vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời nhằm phát triển sản xuất lúa gạo bền vững và tăng cường quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai bên. Trong bản tuyên bố chung, cả hai công ty cho biết thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho 10.000 nông hộ nhỏ Việt Nam, mở rộng canh tác lúa gạo bền vững trên 10.000 ha đất trồng lúa. Cụ thể, thỏa thuận này nhằm hỗ trợ các nông hộ nhỏ ở Việt Nam thích ứng, giảm những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại, hạn hán, lũ lụt và thiên tai xảy ra. Thỏa thuận cũng nêu bật việc cung cấp gạo chất lượng cao, cho khả năng truy xuất nguồn gốc, giảm dư lượng hóa chất..
Thông qua thỏa thuận hợp tác này, Tập đoàn Phoenix và Lộc Trời sẽ cùng nhau phát triển dự án lúa gạo bền vững tại Việt Nam để có thể hỗ trợ nông dân Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững.
Ông Gaurav Dhawan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phoenix Group cho biết: “Thỏa thuận lần này của Phoenix và Lộc Trời cho thấy dấu ấn của Phoenix ở Việt Nam trong sản xuất lúa gạo, an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và các vấn đề môi trường, đồng thời hỗ trợ Lộc Trời quảng bá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Trước đó, Phoenix đã tham gia khởi động nhiều chương trình giải quyết khó khăn trong phát triển chuỗi giá trị bền vững, từ trồng trọt đến kinh doanh nông nghiệp, ở Châu Phi, CIS, Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Hợp tác giữa Lộc Trời và Phoenix là bước tiến lớn, mang ý nghĩa chiến lược, đem lại những cơ hội tốt để Lộc Trời kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó gia nhập nhanh hơn vào mạng lưới thương mại gạo quốc tế”. Cái bắt tay giữa đôi bên còn mở ra thêm cam kết thúc đẩy phát triển bền vứng ngành lúa gạo Việt Nam.
Việt Nam hiện là nơi cung cấp gạo nổi tiếng thế giới với những lợi thế đặc biệt trong sản xuất. Năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,6 triệu USD (tương đương 5.9 triệu tấn gạo). Dự kiến trong năm nay 2018, con số là 3 triệu USD (khoảng 7 triệu tấn gạo). Xuất khẩu gạo từ Việt Nam chiếm từ 17-18% giao thương lúa gạo toàn cầu.
Phoenix Global đã được đăng ký tại Trung tâm đa hàng hóa Dubai (DMCC) ở quốc gia các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), là doanh nghiệp kinh doanh gạo lớn thứ hai thế giới. Tập đoàn nông sản và thực phẩm toàn cầu này đã luân chuyển 10 triệu tấn hàng hóa trên toàn thế giới vào năm ngoái. Phoenix điều hành 10 ngành kinh doanh theo chiều dọc tại 22 quốc gia. Tính ra, Tập đoàn đang quản lý khoảng 150.000 ha đất canh tác nông nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Tại Việt Nam, Phoenix là một trong các khách hàng giao dịch chính của gạo Việt Nam và đầu tư cơ sở hạ tầng vào các cơ sở liên doanh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong Hội nghị thương mại gạo Đại lục lần thứ 5 vừa mới tổ chức, Lộc Trời đạt vượt qua các loại gạo ngon của Thái Lan, Campuchia.. để giành 2 giải thưởng gạo cao nhất. Đó là gạo thơm Lộc Trời 28 và gạo OM18. Như vậy 2/3 loại gạo của Lộc Trời đã đạt giải cao trong thi đầu quốc tế.