menu search
Đóng menu
Đóng

Vải thiều Việt Nam bước chân vào thị trường thứ hai của châu Âu

09:31 13/06/2021

Một tấn vải thiều được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp.

Gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Cộng hoà Séc (thuộc châu Âu), thì ngày 12/6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
 
Gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Cộng hoà Séc (thuộc châu Âu), thì ngày 12/6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Điều đáng nói, đây là lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển. Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu. 
Không những thế, toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. 
Với xu thế tiêu dùng có trách nhiệm, tem truy xuất nguồn gốc itrace247 không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới trong việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý nông sản có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.

Lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247

Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng tương tự được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022, nếu như doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đảm bảo được chất lượng.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, cho biết quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như: không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực kiên trì quảng bá, kết nối bằng phương pháp trực tuyến, cũng như uy tín của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trên cơ sở phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tuyển lựa doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có năng lực, đơn hàng vải thiều Việt Nam, xuất xứ Thanh Hà (Hải Dương) đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công. Lô vải thiều Thanh Hà này sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn mỗi năm. Madagascar là nhà cung cấp vải lớn nhất cho châu Âu, với nguồn cung các loại trái cây ngoại lai (chủ yếu là vải) là hơn 15,5 nghìn tấn, phần lớn dành cho thị trường Pháp.

Trước năm 2017, phần lớn trái vải được nhập khẩu qua cảng biển của Bỉ nhưng sau khi Pháp có đường vận chuyển trực tiếp, lượng nhập khẩu vải qua Bỉ đã giảm từ 14 nghìn tấn (2016) xuống còn 7 nghìn tấn (2017).

Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ hai sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp thông qua đường hàng không.
Như vậy, tiềm năng cho trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp rất lớn. Cho tới nay, vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập vào Pháp nhưng đều qua các kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác hoặc đưa vào Pháp từ các nước châu Âu khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.
“Gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch vào Paris có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, “khai thông đường đi" cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào EU”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại Pháp và EU để đưa nhiều hơn nữa các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam hiện diện tại thị trường rộng lớn này.

Nguồn:Vũ Khuê / VnEconomy

Link gốc