Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): đến hết tháng 6/2022, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 4,16 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 47,7% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 67% kế hoạch năm.
Phân tích một số vấn đề nổi cộm trong nuôi trồng, khai thác thủy sản từ đầu năm đến nay, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, hiện nay, giá dầu diesel tăng khoảng 45% (so với thời điểm tháng 12/2021) dẫn đến giá các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 20%.
Điều này kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao nhưng giá bán hải sản chỉ tăng từ 10-20% đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Các tàu cá hoạt động vùng khơi đã và đang chịu rất nhiều khó khăn. Tại một số địa phương đặc biệt là tại miền Trung có nhiều tàu cá nằm bờ không đi hoạt động sản xuất.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo, kiến nghị Chính phủ áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm giảm giá dầu phục vụ khai thác thủy sản; khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ ngư dân có vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước, tổ chức tín dụng để góp phần giảm khó khăn sản xuất.
Đáng chú ý, đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau và ban hành văn bản gửi các tỉnh đề nghị tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn các tàu vi phạm vùng biển của các nước.
Đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 92,99% (28.219/30.345 tàu). Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo: trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Với thị trường Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu nước này tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mức tồn kho cá tra ở mức rất thấp sau 2 năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá da trơn tại Hoa Kỳ giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn.
Hơn nữa, giá cá tra cạnh tranh có thể là một lựa chọn trong tình trạng lạm phát liên tục lập kỷ lục và có thể bù đắp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu cá tra cũng vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm: xuất khẩu tôm có khả năng gặp khó khăn khi tình hình lạm phát kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm trong các tháng cuối năm.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết mưa nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung tôm nguyên liệu.
Năm 2022, ngành thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD và đây được nhìn nhận là con số khá khả thi.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu đề ra; tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác thủy sản theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường...
Nguồn:Haiquanonline