Trong thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, nảy sinh nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người hút và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…
Hiện tượng học sinh ở các trường học hút thuốc lá thời gian qua có thể nói là khá phổ biến, thậm chí có em mới học lớp 6, lớp 7 cũng bắt đầu làm quen với khói thuốc. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng là do môi trường sống. Thường thì bị bạn bè lôi kéo, thể hiện bản thân, hoàn cảnh gia đình…
Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện nhưng dần dần đã trở thành thói quen khó bỏ. Cùng với đó, do thuốc lá là mặt hàng khó quản lý và được bày bán công khai nên học sinh có thể mua dễ dàng. Tại các cổng trường, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc lá vì lợi nhuận sẵn sàng bán cho những đối tượng dưới 18 tuổi, hoặc sợ mất khách, phiền phức nên không hỏi chứng minh thư của người mua.
Để ngăn chặn tình trạng này, các trường học đều nghiêm cấm học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá ngoài cổng trường. Bên cạnh đó, các nhà trường đều chú trọng công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, nhóm… Những nỗ lực này đã giúp học sinh phần nào hiểu được tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở các trường học nơi thành thị là học sinh đa số đều sở hữu điện thoại có kết nối mạng internet. Do đó, việc tiếp cận với các quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm thuốc lá điện tử rất dễ dàng.
Thực tế này cho thấy những nỗ lực tuyên truyền, những biện pháp nghiêm cấm của nhà trường là chưa đủ. Do đó, vai trò của gia đình cần phải được phát huy thông qua việc thường xuyên quan tâm, chăm sóc quản lý, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con với bạn bè. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa…
Trong cuộc chiến chống thuốc lá điện tử, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng để giúp các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu đúng về tác hại và chủ động tránh xa thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử.
Các gia đình nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con em trong tuổi vị thành niên; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để khuyến cáo không sử dụng ma tuý, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử nói riêng; tuyên truyền cho các con hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma tuý, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc lá.
Ngoài ra, bố mẹ, người thân trong gia đình nên làm gương cho con cái, không nên hút thuốc lá, thường xuyên giáo dục các em về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các em như thế nào.
Nguồn:VITIC tổng hợp