Những người thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn, nghiêm trọng hơn sau phẫu thuật so với người không hút thuốc lá. Có thể kể đến như suy giảm chức năng nội tạng: tim, phổi, gan hoặc nhiễm trùng, chậm lành vết thương so với người bình thường.
Sự nguy hiểm của thuốc lá được biết đến rộng rãi, song ít người nhận thức những bất lợi người hút thuốc gặp trong quá trình hồi phục sau khi phẫu thuật thay khớp háng, chữa tim hở, nâng cơ mặt…. Lý do là hút thuốc ảnh hưởng xấu đến chức năng tim mạch và khả năng chữa lành các mô.
Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, chất nicotine và chất carbon monoxide có trong thuốc lá sẽ làm giảm nồng độ oxy trong máu, giảm chức năng tuần hoàn máu trong cơ thể. Những ảnh hưởng khác như bệnh mạn tính do thuốc lá cũng góp phần khiến thể trạng bệnh nhân tồi tệ hơn. Hệ miễn dịch suy giảm khi các chất chống oxy hoá, tế bào bị phá hủy và đầu độc làm trì hoãn quá trình làm lành vết thương. Cấu trúc trên các tế bào, trên mô cũng giảm khả năng tái tạo, tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vết thương. Các bác sĩ cũng yêu cầu các bệnh nhân hoàn toàn không được hút thuốc lá sau khi thực hiện các cuộc điều trị xâm lấn, ngay cả người thân của họ cũng không được hút, việc hút thuốc lá thụ động hay tiếp xúc với các chất tàn dư của thuốc lá cũng không hề tốt cho sự phục hồi của cơ thể.
Theo thống kê của WHO, trong hơn một tỷ người hút thuốc trên thế giới, cứ 25 người có một người phải phẫu thuật mỗi năm. 16% bệnh nhân ở những nước phát triển gặp biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật, những nước đang phát triển có tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật đạt 10%, tùy thuộc từng quốc gia. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh người hút thuốc lá có tình trạng sau phẫu thuật kém hơn bệnh nhân khác.
Cũng theo tổ chức này, những người bỏ hút thuốc lá từ 1 tháng trở lên sẽ giảm bớt nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, tốc độ lành cao hơn, sức khỏe cũng tiến triển tốt hơn sau nửa năm. Cụ thể, việc không hút thuốc lá cải thiện đến gần 20% chỉ số kết quả sức khỏe sau phẫu thuật. Còn các bệnh nhân hút thuốc lá thường xuyên khả năng biến chứng với gây mê cao hơn so với bình thường, nguy cơ nhiễm trùng cũng cao hơn do hệ miễn dịch bị ảnh hưởng do hút thuốc.
Nguyên nhân được xác định là bởi phổi của người ngừng hút thuốc khỏe hơn, máu chứa oxy và các chất dinh dưỡng di chuyển tốt hơn đến các bộ phận, thúc đẩy quá trình làm lành và phục hồi chức năng các cơ quan. Các chuyên gia y tế cũng nhận định, đối với những bệnh nhân không cần phẫu thuật khẩn cấp có thể tạm hoãn việc thực hiện tiểu phẫu hoặc phẫu thuật để bệnh nhân có cơ hội bỏ thuốc, nhờ đó chỉ số sức khỏe trong và sau phẫu thuật khả quan hơn.
Một số nghiên cứu cũng cho hay, thuốc lá đã dập tắt cũng có thể phát tán chất độc ra không khí suốt 5 ngày. Do đó, người thân của các bệnh nhân cũng không nên chủ quan trong việc hút thuốc lá. Để đảm bảo sức khỏe cho cả bệnh nhân lẫn những người thân trong nhà, nên ngừng việc hút thuốc càng sớm càng tốt.
Nguồn:VITIC (P. Thúy)