menu search
Đóng menu
Đóng

Nước Mỹ trong cuộc chiến chống thuốc lá điện tử

10:00 14/12/2020

Số ca bệnh phổi liên quan thuốc lá điện tử trên toàn nước Mỹ vẫn tiếp tục tăng, số trường hợp tử vong đã tăng từ một lên 48 trường hợp trong khi một số ca tử vong khác đang được điều tra.
 
Đáng nói hơn khi tình trạng các ca bệnh phổi liên quan thuốc lá điện tử giờ đã lan rộng ra khắp 50 bang của Mỹ và cũng đã có ở đặc khu Columbia, quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Puerto Rico.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đã chính thức đặt tên cho căn bệnh ảnh hưởng đến những người hút thuốc lá điện tử là EVALI (e-cigarette, hay vaping), có nghĩa bệnh "tổn thương phổi do các sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc vaping".
Thời gian qua, các quan chức y tế Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tình trạng giới trẻ lạm dụng thuốc lá điện, hủy hoại tiến bộ đạt được trong việc hạn chế hút thuốc lá ở người trẻ tuổi trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến ở Mỹ trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận khoảng hơn 5 triệu người dùng là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; gần 1 triệu người trong số đó sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày. Theo một khảo sát khác vào năm 2013-2014, 81% người dùng thuốc lá điện tử pha trộn nhiều loại hương liệu, chất kích thích với nhau nhằm tạo ra hương vị hấp dẫn hơn.
Theo báo cáo được công bố vào ngày 18/12/2019 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Đại học Michigan, có 10-25% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đang sử dụng nicotine qua hút thuốc lá điện tử.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), số thanh thiếu niên MỹKỳ thừa nhận sử dụng các sản phẩm nicotine đã tăng khoảng 36% vào năm 2018, điều này được cho là do sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử xuất hiện trên thị trường Mỹ từ năm 2007 và trở thành sản phẩm thuốc lá được ưa chuộng nhất của thanh thiếu niên nước này từ năm 2014. Tuy nhiên, báo cáo của CDC nhấn mạnh, mặt trái của thuốc lá điện tử chỉ được dư luận xứ sở cờ hoa quan tâm khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ thống kê rằng hơn 2.800 trường hợp nhập viện và 68 ca tử vong, trong đó có nhiều nạn nhân vị thành niên, được ghi nhận tại Mỹ do các tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử tính đến thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.
Hiện nay, trong khi đang phải chật vật chống lại đại dịch Covid-19 thì Mỹ vẫn phải đối mặt với một ‘đại dịch’ khác, đó là tỷ lệ hút thuốc lá điện tử rất cao ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Báo cáo của một khảo sát do CDC Mỹ vừa công bố vào đầu tháng 9 này cho biết, khoảng 3,6 triệu học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử trong năm nay. Thậm chí, rất nhiều trong số đó thú nhận sử dụng thuốc lá điện tử hằng ngày. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 16/1 đến 16/3/2020 đối với 20.000 học sinh. CDC Mỹ ngừng cuộc khảo sát trước khi đa số các khu vực tại Mỹ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống virus SARS-CoV-2 lây lan. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở học sinh THCS là 1/20 và ở học sinh THPT là 1/5. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với thống kê của CDC Mỹ vào năm ngoái, nhưng Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield lưu ý rằng việc thanh thiếu niên Mỹ hút thuốc lá điện tử vẫn không khác gì một “đại dịch” nguy hiểm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Vị thành niên (Mỹ) vào tháng 8/2020 còn dẫn chứng rằng, thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc Covid-19 gấp 5 lần và những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá điếu thông thường có nguy cơ nhiễm cao hơn tới 7 lần. Đây là lời cảnh tỉnh về việc bùng nổ tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến tử vong.
Theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard thì 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các hạt nhỏ và kim loại người ta tìm thấy các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, catmi, chì và thủy ngân... Thuốc lá truyền thống cũng có chứa các hạt bụi nhỏ này và đã có trường hợp có thể gây hại cho người hút gây ra các tổn thương mạch máu, viêm, các hiệu ứng thần kinh... Mật độ các hạt bụi trong thuốc lá điện tử là tương tự như thuốc lá thật nhưng cho tới nay, chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ an toàn/nguy hiểm của việc hút các hạt bụi do thuốc lá điện tử tạo ra.
Diethylene Glycol - một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông. Ngoài ra khi làm nóng tinh dầu và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần tạo nên bệnh tim mạch ở những người hút thuốc… Một số loại thuốc lá điện tử còn chứa nicotine – chất gây nghiện được đưa vào thuốc lá điện tử nhằm tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn, khiến cho việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài có thể gây nghiện cho người sử dụng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong thuốc lá điện tử và trong khói thuốc lá điện tử có chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines – các chất gây ung thư. Như vậy, nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra có thể cao hơn rất nhiều hoặc ít nhất ngang bằng so với thuốc lá điếu. Người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…
CDC Mỹ xác định “thủ phạm chính” gây bệnh phổi là vitamin E acetate được dùng để pha trộn vào các loại thuốc lá điện tử có chứa hợp chất kích thích thần kinh THC chiết xuất từ cây gai dầu.
Một số quan chức Mỹ cho biết, nếu xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ vẫn tiếp diễn, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) sẽ buộc phải cân nhắc tăng cường các quy định luật pháp có thể hạn chế những người trưởng thành nghiện thuốc lá tiếp cận các sản phẩm này để có thể bảo vệ thanh thiếu niên.
Cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC đã và đang nghiên cứu, xử lý thông tin từ các trường hợp bị các bệnh hô hấp nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, nhằm đưa ra những khuyến nghị, khuyến cáo về việc lưu hành và sử dụng loại sản phẩm này.
Năm 2009 FDA đã quy định về quản lý các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá không khói và thuốc lá tự chế. Đến năm 2016, FDA đã mở rộng phạm vi áp dụng của những quy định này đối với cả thuốc lá điện tử, gọi chung là ENDS. Theo đó, quá trình sản xuất, nhập khẩu, đóng gói, dán nhãn, quảng cáo, khuyến mại, bán và phân phối ENDS đều phải tuân thủ các yêu cầu cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, những quy định pháp luật này chỉ áp dụng với những thành phần và bộ phận của các thiết bị ENDS như dung dịch điện tử, pin, phần mềm lập trình, bộ phận gia nhiệt, làm nóng, dẫn khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử… không áp dụng với các phụ kiện đi kèm. Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều phải có cảnh báo về tác hại của nicotine trên bao bì sản phẩm và trong quảng cáo. FDA cung cấp những đường dây nóng và các tài nguyên giáo dục trực tuyến để giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này tuân thủ đúng pháp luật.
San Francisco là thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ cấm thuốc lá điện tử (từ tháng 6/2019) cho đến khi tác động của chúng lên sức khỏe được làm sáng tỏ.
Các quan chức hôm thứ Ba đã bỏ phiếu cấm các cửa hàng bán thuốc lá điện tử. Các cửa hàng bán lẻ trực tuyến giao hàng đến địa chỉ trong thành phố sẽ là bất hợp pháp.
San Francisco cũng chính là quê nhà của Juul Labs, hãng sản xuất thuốc lá điện tử phổ biến nhất ở Mỹ.
Đến nay, nhiều bang tại Mỹ như: Washington, Michigan, New York, Massachusetts... đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử.
Để giảm số người hút thuốc lá điện tử, chính quyền Washington đã cấm đa số các loại thuốc lá điện tử có hương vị.
Đối với các cửa hàng tự pha chế chất lỏng điện tử hay thuốc lá điện tử, họ được xếp vào nhóm nhà sản xuất và phải tuân thủ các quy tắc như đối với các nhà sản xuất. Trong nhiều trường hợp, các cửa hàng này có thể có nghĩa vụ pháp lý với tư cách là nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Các sản phẩm thuốc lá được nhập khẩu hoặc các thành tố, thành phần nhập khẩu phục vụ mục đích sản xuất thuốc lá hay thuốc lá điện tử đều được kiểm soát nghiêm ngặt và hướng dẫn cụ thể trong Đạo luật này.
Các nhà làm luật và chuyên gia Mỹ khẳng định điều khó nhất trong việc kiểm soát thuốc lá điện tử là người ta gần như không thể kiểm soát toàn bộ những thứ bên trong tinh dầu thuốc lá điện tử khi chúng được pha trộn nhiều loại với nhau. Do đó, các cơ quan chức năng khuyến khích người dân thường xuyên gửi phản hồi về tình hình thực tế của việc sản xuất, lưu hành và sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử để những nhà chuyên môn, nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu, phân tích, dự đoán những tác hại tiềm ẩn và có hành động kịp thời. Người dân có thể phản ánh, tố cáo các sản phẩm thuốc lá trái quy định, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, trực tiếp với FDA. Ví dụ, người dùng mắc bệnh do sử dụng một sản phẩm thuốc lá nào đó, thấy hành vi bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên….
Tháng 12/2019, Quốc hội Mỹ quyết định nâng độ tuổi tối thiểu hút thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, từ 18 lên 21 tuổi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cũng cảnh báo hãng sản xuất thuốc lá điện tử phải chấm dứt quảng cáo tuyên truyền các sản phẩm của hãng ít độc hại hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.
Cơ quan chức năng các nước, mà trước hết là phụ huynh và nhà trường, cần có hành động kịp thời để giúp con em mình nói không với thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, cũng như các sản phẩm gây nghiện, qua đó góp xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, thuốc lá điện tử cũng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều hóa chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Khói thuốc gây hại không chỉ cho người hút mà còn cho cả những người xung quanh do hút thuốc thụ động. Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm 2020 do WHO phát động đã chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine-là chất gây nghiện cao và là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung thư. SEATCA nhận định, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh, trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế, mức độ tác động đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Nguồn:VITIC (TH)