menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế hút thuốc lá tại một số nước

11:00 13/12/2021

Ảnh minh hoạ

Biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng giá thuốc lá là một giải pháp hiệu quả nhằm giảm sức mua thuốc lá và ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do tác hại của thuốc lá.
 
Trong những năm qua, các nước đã và đang tích cực tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những giải pháp giảm mức tiêu thụ thuốc lá. Hiện trên thế giới có ba phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá gồm: thuế tuyệt đối, thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế hỗn hợp. Trong đó, thuế “tuyệt đối” là loại thuế thu một khoản tiền thuế nhất định trên mỗi đơn vị của sản phẩm như theo bao thuốc, theo trọng lượng, theo tút, theo điếu.
Thực tế việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại một số nước:
Indonesia: Có khoảng 70% nam giới trưởng thành sử dụng các sản phẩm thuốc lá, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ hút thuốc ở Indonesia là 29%, chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 225.700 người ở Indonesia chết vì hút thuốc hoặc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Kể từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Indonesia tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá gần như hàng năm. Indonesia đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá với mức tăng trung bình 12,5% có hiệu lực từ đầu năm 2021. Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm cho giá thuốc lá đắt hơn, người dân sẽ hạn chế tiêu thụ thuốc lá, nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc ở thanh niên xuống 8,7% vào năm 2024, từ 9,1% hiện nay.
Chính phủ Indonesia ước tính mang lại 174 nghìn tỷ rupiah (12 tỷ USD) từ việc tăng thuế đối với thuốc lá và sẽ dành 50% số tiền thuế này cho Quỹ phúc lợi của cộng đồng và hỗ trợ các cơ quan trong phòng chống buôn lậu thuốc lá. Trong đó, một nửa số tiền sẽ được phân bổ cho sức khỏe cộng đồng, mua sắm, bảo trì cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho các cơ sở và dịch vụ y tế. Chính phủ Indonesia dự kiến, sản lượng thuốc lá ở nước này sẽ giảm 3,2% xuống còn 288,8 tỷ điếu.
Thái Lan: Thái Lan đang nỗ lực giảm số người hút thuốc lá bằng các biện pháp khác nhau, trong đó tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được áp dụng. Từ năm 2017, Thái Lan đã thông qua việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá. Mức thuế đánh vào thuốc lá của nước này tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng. Nhờ tăng thuế, thu ngân sách từ thuốc lá của Thái Lan trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,9 tỷ USD. Trong 10 năm, chính phủ Thái Lan đã thực hiện 10 lần tăng thuế thuốc lá từ 65% lên 87%. Việc tăng thuế thuốc lá dẫn đến giá thuốc lá tăng từ 15 baht/bao lên 65 baht/bao. Bên cạnh đó, Thái Lan tích cực các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nỗ lực giảm lượng tiêu thụ thuốc lá bằng cách gia tăng kích cỡ hình ảnh thể hiện tác hại khói thuốc trên bao bì, hiện chiếm tới 85% mặt bao thuốc.
Philippines: Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tại Philippines đang áp dụng theo hình thức thuế tuyệt đối. Phương pháp này giúp giảm các sản phẩm thuốc lá giá rẻ trên thị trường, qua đó làm giảm sử dụng thuốc lá ở trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời làm giảm nguy cơ chuyển giá giữa các nhà sản xuất và các công ty phân phối. Doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hàng năm, từ 680 triệu USD năm 2012 lên 1,66 tỷ USD năm 2013, mặc dù tiêu thụ giảm. Doanh thu thuế tiếp tục tăng lên thành 2,2 tỷ USD vào năm 2015. Phần lớn doanh thu thuế được nước này dành cho y tế, chủ yếu là vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.
Tại Việt Nam: Thuế thuốc lá đang tính thuế theo “tỷ lệ phần trăm” nghĩa là được tính tỷ lệ phần trăm theo giá của sản phẩm tại một thời điểm nhất định trong chuỗi cung ứng như giá xuất xưởng, giá bán buôn, hay giá bán lẻ, áp dụng thuế 75% trên giá xuất xưởng (tương đương 36% giá bán lẻ). Tuy nhiên, cách thực hiện này còn bộc lộ một số nhược điểm như: tăng nguy cơ chuyển giá của các nhà sản xuất, khuyến khích sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, tăng khả năng tiếp cận thuốc lá ở trẻ em và làm giảm hiệu quả của việc tăng thuế.
Vì vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tại Việt Nam được đề xuất tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc. Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng cũng cho thấy, đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá được người dân đồng tình ủng hộ. Có thể thấy, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, tiến tới đạt mục tiêu Chiến lược về phòng, chống tác hại thuốc lá tại mỗi quốc gia và đẩy lùi bệnh tật. 

Nguồn:VITIC tổng hợp