menu search
Đóng menu
Đóng

Thực thi pháp luật trong công tác Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều thách thức

09:00 02/09/2024

Ảnh minh họa

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành ngày 01/5/2013 đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực sau hơn 10 năm ban hành. Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng, cần tăng cường giám sát việc thực thi Luật, nâng cao trách nhiệm tuân thủ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
 
Nhiều tác động tích cực
Thuốc lá là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích tiêu dùng. Do vậy, nhà nước đã có chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá nhằm từng bước giảm cả cung và cầu. Nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá đã được ban hành, đặc biệt là Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Luật PCTHTL quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong có nguyên nhân từ thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân. 
Việc thực hiện Luật trong thời gian qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTH thuốc lá cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể, trong đó nhóm tuổi từ 13 -17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm tuổi từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Nhận thức về tác hại của thuốc lá của người dân ngày càng cao, trên 95%. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Một số khó khăn, hạn chế
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cũng gặp không ít khó khăn, việc tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở không khói thuốc ở một số nơi chưa thực hiện triệt để. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Tại một số nơi, nhận thức của người dân còn hạn chế và chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá, do vậy việc hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.
Một số bộ phận người dân do thói quen hút thuốc và nhận thức về Luật PCTHTL chưa đầy đủ, dù được tuyên truyên, vận động bỏ thuốc lá, song việc cai thuốc lá hoàn toàn là rất khó khăn. Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hút thuốc lá tại các nơi công cộng như bến xe, nhà ga, bến thuyền... cũng gặp không ít trở ngại.
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhất là ở những vùng sâu, vùng xa thì công tác quản lý thuốc lá thế hệ mới chưa được quan tâm, còn phó mặc cho cơ quan quản lý thị trường. Công tác PCTHTL trong trường học đã được tuyên truyền, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em, chưa chủ động trong công tác phối hợp với nhà trường, phần nào tạo nên khó khăn trong việc giáo dục PCTHTL cho học sinh.
Thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được kể cả học sinh nên rất khó quản lý. Chế tài xử phạt vi phạm về hút thuốc tại nơi công cộng, nơi quy định cấm hút thuốc lá còn chưa thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, chưa có các hoạt động đánh giá, động viên, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân làm tốt trong công tác tuyên truyền PCTHTL.
Luật Phòng chống, tác hại thuốc lá đã có hiệu lực hơn 10 năm nhưng hiện Việt Nam chưa có chính sách và khung pháp lý cụ thể để quản lý thuốc lá thế hệ mới, một số quy định không còn phù hợp với thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống thuốc lá cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người sử dụng. 

Nguồn:VITIC tổng hợp