menu search
Đóng menu
Đóng

Apple soán ngôi vua trái phiếu

09:03 09/06/2015

Apple, Oracle và nhiều đại gia công nghệ khác đã gia nhập hàng ngũ những người mua trái phiếu lớn nhất thế giới khi thường xuyên gom đến một nửa số lượng trong các đợt phát hành.
Các công ty này đang tăng cường sức mạnh tại các thị trường vốn được thống trị bởi các quỹ đầu tư trái phiếu lớn, như PIMCO, BlackRock, Vanguard hay Fidelity Investment. Họ đang tìm kiếm lợi nhuận khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ lãi suất ngắn hạn gần 0% suốt 7 năm qua.

"Chúng tôi cũng đối xử với họ như Fidelity, Vanguard và các nhà đầu tư khác vậy", Curt Zuber - Giám đốc Tài chính tại Westpac Banking cho biết. 4 ngân hàng lớn nhất Australia đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ phát hành trái phiếu nước ngoài. Họ đều đã cử đại diện đến chi nhánh quản lý tiền của Apple - Braeburn Capital.

Các doanh nghiệp này đang tìm cách đầu tư núi tiền mặt kỷ lục vào thị trường trái phiếu trong những năm gần đây. Do không ngành  nào có số tiền mặt lớn như công nghệ.

Apple, Oracle, Google và 7 hãng công nghệ lớn khác đang có hơn 500 tỷ USD tiền mặt, tăng hơn gấp 3 kể từ năm 2008, theo số liệu của Bloomberg. Vấn đề là quá nhiều trong số chúng đang mắc kẹt ở nước ngoài. Nếu mang số tiền này về Mỹ, họ sẽ mất cả đống thuế. Vì vậy, họ chọn cách đầu tư vào trái phiếu.

Xu hướng này đang khiến các nhà đầu tư truyền thống ngày càng khó tiếp cận các đợt phát hành mới. Mua trái phiếu doanh nghiệp là một trong những cách dễ dàng nhất với các nhà quản lý tài chính nếu muốn có kết quả trên trung bình.

Apple hiện là một trong những người mua trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn lớn nhất. Với mỗi đợt phát hành 1 tỷ USD, họ thường mua tới 200 triệu USD. "Tôi chắc chắn rằng các quỹ đầu tư như Vanguard hay Pimco sẽ thích Apple gọi cho họ và nhờ họ quản lý tiền hơn là cạnh tranh với họ trong các đợt mua trái phiếu", Kevin McPartland - Giám đốc Công nghệ và Cấu trúc Thị trường tại hãng nghiên cứu Greenwich Associates cho biết.

Apple, Oracle và các hãng công nghệ khác đã mua trái phiếu sẽ đáo hạn trong 2-3 năm tới. Phần lớn được phát hành bởi các công ty tài chính. Họ cũng nhắm đến trái phiếu của các công ty được đánh giá cao như Exxon Mobil, Merck và Wal-Mart Stores.

Oracle đang đầu tư 25,8 tỷ USD vào trái phiếu doanh nghiệp, trong khi Google có 11,5 tỷ USD, theo báo cáo tài chính mới nhất. Xu hướng này đang gây lo ngại sẽ khiến thị trường yếu đi nếu một ngày nào đó, các công ty này quyết định đổ tiền vào kênh khác.

Ví dụ, lãi suất tăng có thể khiến họ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, Jason Shoup - Giám đốc Chiến lược Tín dụng tại Citigroup nhận xét. "Tôi sợ rằng nếu FED quyết định nâng lãi suất, sẽ có rất nhiều kênh đầu tư thay thế khác hơn là trái phiếu doanh nghiệp, như trái phiếu Chính phủ hay chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế thế chấp chẳng hạn", ông cho biết.
Theo Hà Thu
VnExpress

Nguồn:VnExpress