menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc cần ít nhất 2.600 tỷ USD để ngăn bốc hơi dòng tiền

14:02 07/09/2015

Bốc hơi nguồn vốn hiện có thể coi là một trong những lo ngại lớn nhất của Trung Quốc.
 Trong tháng 8/2015, tập đoàn Dalian Wanda của Trung Quốc đã mua lại giải thi đấu thể thao Ironman Triathlons với giá 650 triệu USD. Cùng thời gian đó, công ty bảo hiểm Anbang của nước này cũng đã mong muốn mua lại một tập đoàn tài chính đang gặp khó khăn của Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, Anbang có vẻ đang gặp khó với các các quan chức Bồ Đào Nha để thông qua thương vụ này. Nguyên nhân là do các công ty Trung Quốc đã mua quá nhiều tài sản nước ngoài, đặc biệt là tại Châu Âu, qua đó khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tại đây lo ngại.

Đồng thời, những du khách Trung Quốc đang đổ về Nhật Bản và mua những mặt hàng xa xỉ tại đây với mức giá rẻ hơn trong nước do đồng Yên giảm giá mạnh còn đồng Nhân dân tệ được Chính phủ Trung Quốc giữ "ổn định".

Hiện tượng đầu tư ra nước ngoài tại Trung Quốc đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng nếu chỉ so sánh tổng dòng vốn rút khỏi thị trường với dự trữ ngoại hối của nước này, tình hình có vẻ không nghiêm trọng lắm. Theo Citigroup, trong 4 quý tính đến tháng 6/2015, tổng dòng vốn rút khỏi Trung Quốc (không bao gồm tiền thanh toán vay nợ) đã vượt mức 500 tỷ USD. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối khoảng 4 nghìn tỷ USD của nước này hiện mới chỉ giảm xuống dưới 3,7 nghìn tỷ USD và được dự đoán xuống còn 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.

Trước đây, những chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là đã khiến đồng USD giảm giá mạnh, nhưng Financial Times cho rằng một phần nguyên nhân nữa đến từ Trung Quốc. Việc quốc gia này xuất siêu sang nhiều thị trường trên thế giới đã tạo dựng nên khoản dự trữ bằng đồng USD khổng lồ, và chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng chúng vào hàng loạt các dự án đầu tư trên toàn cầu. Dòng tiền đầu tư của Trung Quốc trải rộng từ những nông trại Châu Phi đến các bễn cảng Sri Lanka và Pakistan, từ ngành sản xuất sữa New Zealand đến các công ty năng lượng Canada và thậm chí là trái phiếu Mỹ.

Gần đây, Trung Quốc thúc đẩy thành lập hàng loạt các dự án khổng lồ và đắt đỏ, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển NDB, dự án Con đường Tơ lụa, đồng thời tái cấp vốn cho 2 ngân hàng chính sách.

Mặc dù vậy, tình hình đã thay đổi khi nhà đầu tư không còn quan tâm chính quyền Bắc Kinh sẽ làm gì với lượng ngoại tệ khổng lồ đang có mà chuyển sang nghi vấn liệu họ có đủ tài chính để làm điều mình muốn hay không. Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng câu hỏi đặt ra hiện nay không phải tập trung vào hiện tượng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, hay biến động của Nhân dân tệ mà là tình hình dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và ảnh hưởng của chúng đến thanh khoản toàn cầu.

Deutsche Bank cho rằng những động thái đầu tư mạnh tay của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng tương tự như một chương trình thắt chặt định lượng (QT), trái ngược với kiểu chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ trước đây. Tất nhiên, chương trình này sẽ khiến chính phủ Trung Quốc cần một lượng ngoại tệ khổng lồ.

Những lo lắng của các chuyên gia ngày càng gia tăng khi PBOC quyết định thả nổi có điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ. Financial Times nhận định động thái điều chỉnh này sẽ khiến việc kiểm soát dòng vốn ngày càng thiếu chặt chẽ theo thời gian và ngay lập tức sẽ khiến đồng tiền mất giá.

Những dự đoán tiêu cực nhất cho thấy Nhân dân tệ có thể giảm giá 3% trong thời gian tới do tình trạng thoái vốn gia tăng và các công ty Trung Quốc tăng cường mua USD, bán Nhân dân tệ.

Hãng nghiên cứu Gavekal dự đoán những nguyên nhân trên có thể tạo áp lực khiến PBOC buộc phải cho phép giảm giá Nhân dân tệ.

Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổng nợ bằng ngoại tệ của Trung Quốc đại lục đã lên đến 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, hãng Gavekal cho rằng nếu tính thêm các khoản nợ bằng ngoại tệ của những công ty con của Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông, con số này thậm chí đạt 1,5 nghìn tỷ USD, tức 15% GDP hay 40% dự trữ ngoại hối của nước này.

Tồi tệ hơn, việc đồng Nhân dân tệ mất giá hơn 3,8% kể từ ngày 10/8 trước khi phá giá đồng tiền và rủi ro giảm phát ngày càng gia tăng trên thị trường Trung Quốc đã khiến gánh nặng trả nợ trở nên khó khăn hơn.

 


 Dựa theo những công thức tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Financial Times cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 2,6 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối để đảm bảo tính an toàn của thị trường tài chính, nếu như chính quyền Bắc Kinh không áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn.

Trong khi đó, Deutsche Bank cho biết Trung Quốc có khoảng 2 nghìn tỷ USD nằm dưới dạng đầu cơ thương mại, đầu tư nước ngoài vào chứng khoán, tiền gửi và các khoản vay nợ của nhà đầu tư quốc tế. Theo ngân hàng này, đây là khoản tiền có nhiều khả năng bị rút khỏi thị trường nếu biến động mạnh xảy ra tại Trung Quốc.

Cuối cùng, Financial Times nhận định khả năng FED tăng lãi suất và tình bất ổn của giá dầu cũng như những hậu quả cho sự không rõ ràng trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế Trung Quốc có thể biến nhiều thị trường “con bò” chuyển sang thị trường “con gấu”.

Theo Hoàng Nam

NDH

Nguồn:NDH