Cơ quan điều tiết chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết, các nhà điều tiết sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với bất cứ hành vi bán khống nào.
Tuyên bố được đưa ra sau khi chứng khoán Trung Quốc ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 2/2007. Chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5% xuống 3.725,56 điểm sau khi phục hồi 16% kể từ ngày 8/7.
Chỉ số CSI300 gồm các doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến giảm 8,6%. Hơn 1.500 cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến đồng loạt giảm sàn 10%.
Theo giới chuyên gia, thị trường giảm điểm do nhà đầu tư bán chốt lời trước khi chính phủ ngừng các biện pháp hỗ trợ thị trường. Một số chuyên gia phân tích cho biết, nhà đầu tư bán tháo sau khi có đồn đoán rằng Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSFC) đã rút lui trước khi bơm thanh khoản cho thị trường, làm dấy lên hoài nghi về cam kết hỗ trợ thị trường của chính quyền.
Chỉ vài giờ trước khi chốt phiên hôm qua, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã bác bỏ tin CFSC rút khỏi thị trường chứng khoán và cho biết không loại trừ khả năng một số nhà đầu tư lớn trên thị trường đã bán khống.
CSFC trở thành công cụ của giới điều tiết chứng khoán Trung Quốc hồi đầu tháng này nhằm hỗ trợ thị trường. Định chế này được phép vay vốn từ các ngân hàng thương mại để mua lại cổ phiếu. Nhờ đó, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc tăng khoảng 20% sau hơn 3 tuần.
Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa thực sự phục hồi bền vững và vẫn phụ thuộc vào sự can thiệp của chính phủ. Ngoài ra, đà giảm của chứng khoán Trung Quốc cũng cho thấy tâm lý lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
"Bài học rút ra từ đợt bong bóng chứng khoán vừa qua của Trung Quốc đó là một khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng thì mọi biện pháp can thiệp chính sách nhằm hỗ trợ giá sẽ chỉ có hiệu quả nhất thời”, chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận định.
Theo số liệu thống kê, kể từ 6/7, nhà đầu tư đã bán ròng 7,6 tỷ USD chứng khoán Trung Quốc.
Minh Phương
Theo Reuters