menu search
Đóng menu
Đóng

Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thế giới tuần 24-31/3/2020

11:26 02/04/2020

Vinanet - Chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu CRB Index trong tuần cuối cùng của tháng 3/2020 giảm 4,97% do lo ngại nhu cầu sụt giảm do dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu. Tính chung trong tháng 3, chỉ số này giảm 25,48%, và so với cùng kỳ năm ngoái hiện thấp hơn 33,13%.
Giá một số mặt hàng nguyên liệu chủ chốt trên thị trường thế giới
Tác động tới một số ngành/hàng cụ thể:
Năng lượng. Phiên 31/3/2020, giá dầu cùng kỳ năm ngoái hiện thấp hơn 33,13%. Trong một tuần qua, giá dầu Brent giảm 5,13%, trong khi dầu WTI giảm 15,98%. Tính chung cả tháng 3, giá giảm lần lượt 49,93% và 56,7%; trong quý I/2020 giảm lần lượt 62,25% và 67,12%.
Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa trong những tháng tới. Trafigura dự báo nhu cầu sẽ giảm 30% giữa bối cảnh ngành giao thông vận tái nói chung và hàng không nói riêng gần như đình trệ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo, nhu cầu dầu mỏ có thể giảm đến 20 triệu thùng/ngày, hay 20%, trong năm nay, do 3 tỷ người trên thế giới bị phong tỏa.
Kim loại quý. Giá vàng quý I/2020 tăng, là quý tăng thứ 6 liên tiếp do lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu khiến nhà đầu tư tìm tới tài sản an toàn. Tính chung cả quý 1/2020, giá vàng tăng 4,6%. Lý do chủ yếu bởi căng thẳng Mỹ - Iran hồi tháng 1 và sau đó là đại dịch Covid-19 kéo dài cho tới hiện tại. Giá bạch kim quý I giảm giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2008 do nhu cầu từ ngành ô tô suy yếu; giá palađi cùng quý tăng mạnh nhất kể từ 2010; giá bạc trải qua giảm quý giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2013, trong đó riêng trong tháng 3 giảm nhiều nhất kể từ tháng 9/2011.
Kim loại công nghiệp. Giá đồng tuần qua tăng nhẹ sau khi Trung Quốc thông báo sản xuất trong tháng 3 phục hồi hơn mức dự kiến. Chỉ số PMI của nước này trong tháng 3 đã tăng lên 52 điểm, từ mức thấp kỷ lục 35,7 của tháng 2.
Tuy nhiên, tính chung cả quý 1, giá đồng giảm mạnh nhất kể từ 2011 (giảm 20%) do dịch virus corona lây lan khắp nơi khiến các nhà máy trên toàn cầu phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, làm giảm nhu cầu kim loại. So với cùng kỳ năm ngoái giá mất gần 1/4. Các kim loại công nghiệp khác cũng giảm khoảng 10 – 20% trong quý I/2020.
Nông sản. Giá ngô, lúa mì và đậu tương đều giảm trong tháng 3/2020 do lo ngại nhu cầu sẽ yếu đi. Cụ thể, trong tháng 3, giá ngô giảm 7,5% - mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, giá đậu tương giảm 0,8%; lúa mì giảm 8,3% - nhiều nhất kể từ tháng 5/2019. Giá đường giảm khoảng 20% trong quý I/2020 do lo ngại giá năng lượng giảm sẽ thúc đẩy các nhà chế biến mía Brazil gia tăng sản xuất đường thay vì ethanol, khiến thị trường đường sẽ trở nên dư thừa. Giá cao su trong tuần vừa qua giảm xuống mức thấp nhất 11 năm do lo ngại dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô. Dầu thô giảm giá cũng tác động mạnh lên thị trường cao su. Tính chung cả quý I, giá giảm 27%, riêng trong tháng 3 mất 16%. Giá bông giảm 17% trong tháng 3/2020 và tính chung trong quý I/2020 giảm nhiều nhất kể từ năm 2011.
Lương thực, thực phẩm. Theo USDA, nguồn cung thực phẩm trên thế giới vẫn dồi dào nhưng những rào cản về logistics lại khiến việc vận chuyển hàng hóa tới nơi người dân cần ngày càng khó khăn. Nguyên nhân là dịch Covid-19 buộc các chính phủ phải triển khai biện pháp đối phó chưa từng có, dấy lên làn sóng tích trữ đồ trong hoảng loạn và nguy cơ khủng hoảng lao động. Ông Dan Kowalski, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu tại ngân hàng nông nghiệp CoBank, dự báo: Không giống như những giai đoạn giá lương thực lên cao trước đây, tồn kho các mặt hàng thiết yếu như ngô, lúa mì, đậu tương và gạo, trên toàn cầu hiện rất dồi dào, nên giá cả sẽ không tăng mạnh. Tuy nhiên, những con số về lượng dự trữ được tính toán trên cơ sở nguồn cung từ nơi sản xuất được chuyển đến nơi tiêu thụ một cách dễ dàng, và có tính tới một số sản phẩm thay thế như thông lệ
Do dịch Covid-19, để ngăn ngừa tình trạng mất an ninh lương thực, một số nước đã có động thái hạn chế xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt. Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo; Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- đang thực hiện phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày khiến một số kênh hậu cần bị gián đoạn; Kazakhstan – nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 9 thế giới - đã cấm xuất khẩu gạo và một số thực phẩm khác như đường, khoai tây…; Serbia đã ngưng xuất khẩu dầu hướng dương và sản phẩm khác; Nga đang xem xét việc giới hạn xuất khẩu ngũ cốc trong 3 tháng. Đối với một số mặt hàng, nguồn cung chủ yếu do một số nhóm nhỏ các nước xuất khẩu nắm giữ. Việc đứt gãy cung ứng này sẽ có tác động lớn đến nhiều quốc gia/khu vực.
Đối với mặt hàng gạo và lúa mì, đa số các thị trường nhập khẩu chủ chốt đã có đủ lượng dự trữ cần thiết. Trung Quốc đại lục còn khoảng 120 triệu tấn gạo dự trữ; Philippines có đủ gạo dự trữ dùng trong ít nhất 75 ngày; Malaysia có đủ gạo dự trữ dùng trong 2 tháng; Singapore và Hongkong cũng thông báo có đủ nguồn dự trữ.
 

Nguồn:VITIC