Thị trường đồng vẫn đang trải qua giai đoạn hồi phục cùng với sự ổn định chung của thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đồng đang ở mức 8.347,5 USD tấn, cao hơn khoảng 5% so với mức đáy vào tháng 5.
Trong các phiên giao dịch đầu tháng 8, giá đồng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các số liệu kinh tế không đạt kỳ vọng của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) vốn là thước đo hàng đầu cho các hoạt động sản xuất công nghiệp của một quốc gia thường là một yếu tố có sức ảnh hưởng lớn tới giá đồng. Vì vậy, việc PMI của Mỹ và Trung Quốc đạt lần lượt là 49 và 49,3 điểm, đều dưới mức 50 điểm cho thấy sự suy yếu và thu hẹp của lĩnh vực công nghiệp, cũng là lý do chính khiến cho giá đồng giảm trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, những biến động trong ngắn hạn của thị trường hàng hóa tương lai có thể không phản ánh đúng tình trạng cung - cầu trên thị trường hàng thực.
Đau đầu tìm lời giải cho bài toán nguồn cung
Trong năm tháng đầu năm 2023, sản lượng đồng tinh chế của thế giới đạt 10,84 triệu tấn, trong khi tiêu thụ đạt 11,12 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đã thâm hụt hơn 270.000 tấn đồng.
Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá đồng, nhất là khi sản lượng sụt giảm ở hai quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới là Chile và Peru. Codelco, công ty khai thác và sản xuất đồng lớn nhất của Chile mới đây đã công bố sản lượng quý II giảm 17% so với một năm trước đó, đồng thời cắt giảm dự báo sản lượng của năm 2023 còn 1,31 triệu đến 1,35 triệu tấn thay vì ước tính trước đó là 1,35 triệu đến 1,42 triệu tấn.
“Câu chuyện” của Codelco phản ánh bức tranh ảm đạm của toàn ngành khai thác khi chất lượng quặng giảm và việc phát triển các mỏ mới ngày càng khó khăn, tốn kém hơn trong bối cảnh lạm phát.
Các công ty khai thác kim loại cũng đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung đồng trong dài hạn. Tuần trước, Glencore, một trong những công ty khai thác và giao dịch đồng lớn nhất trên thế giới đã tiến hành một thoả thuận trị giá 475 triệu USD để mua lại cổ phần trong một dự án đồng của Argentina.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết, việc Chính phủ các nước đẩy mạnh thực hiện cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ đồng trong mọi lĩnh vực từ xe điện đến xây dựng các lưới điện mới.
Theo Bloomberg, ngay cả trong kịch bản suy thoái, nhu cầu tiêu thụ đồng mỗi năm vẫn tăng trưởng dần đều với tốc độ khoảng 2,1%, và có thể đạt 37,5 triệu tấn vào năm 2024. Trong kịch bản không suy thoái, thế giới có thể sử dụng tới gần 39 triệu tấn đồng trong năm 2024.
Việt Nam sẽ chứng kiến tốc độ tiêu thụ đồng tăng vọt
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của lĩnh vực sản xuất xe điện cũng phản ánh triển vọng tiêu thụ đồng tăng dần của nước ta. Theo BMI Research, một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions, doanh số bán xe điện tại nước ta dự kiến sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 18.000 chiếc.
Trong giai đoạn 2023 – 2032, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện tại Việt Nam trung bình hàng năm sẽ đạt 25,8% tương đương khoảng 65.000 chiếc, tăng từ 8.400 chiếc vào năm 2022. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán rằng tỷ lệ sở hữu xe điện sẽ đạt 1 triệu vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có báo cáo gửi Chính phủ về đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, với 3 loại được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm: xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời.
Trước đó, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cũng là một động thái chính sách khác khuyến khích dịch chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế, nhu cầu tiêu thụ đồng mỗi năm của Việt Nam có thể chạm mức 16,1 triệu tấn/năm, khi nước ta theo đuổi xu thế dịch chuyển năng lượng theo hướng xanh. Đáng chú ý, mức tiêu thụ này sẽ bằng với Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới hiện nay.
Kim loại đồng sẽ ngày càng thiết yếu đối với quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của nước ta. Việc đảm bảo nguồn cung và dự trữ đồng trong nước cho các hoạt động sản xuất sẽ ngày càng được chú trọng. Bên cạnh đó, song song với các hoạt động thương mại và khai thác đồng, quá trình tái chế đồng phế liệu sẽ đóng góp vai trò không nhỏ trong việc ổn định nguồn cung đồng.
Nguồn:Tiên Phạm/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)