menu search
Đóng menu
Đóng

Thời tiết tại Mỹ trong tháng 8 có thể là yếu tố sẽ tạo áp lực mạnh lên giá đậu tương

15:44 31/07/2023

Mở cửa phiên giao dịch đàu tuần, cùng với diễn biến chung của nhóm nông sản, giá đậu tương đã tạo gapdown và lao dốc mạnh. Mức giảm này phản ánh những dấu hiệu tình hình thời tiết tại Midwest, khu vực sản xuất chính của Mỹ đang dần cải thiện sau đợt khô hạn nghiệm trọng kéo dài từ tháng 4. Giai đoạn này vẫn đang trong quá trình phát triển quan trọng của đậu tương nên thị trường có thể kỳ vọng vào việc chất lượng cây trồng có thể hồi phục trở lại trong vài tuần tới.
 
Thị trường đậu tương đã được hỗ trợ mạnh vào đầu tháng 6 do lo ngại về thời tiết nóng và khô, cùng với đó là ước tính diện tích gieo trồng tại Mỹ niên vụ 23/24 thấp hơn đáng kể so với mức dự kiến. Điều này càng hướng sự chú ý của thị trường về triển vọng năng suất. Báo cáo Cung -cầu tháng 7 của USDA đã chốt sản lượng đậu tương của Mỹ niên vụ 2023/24 ở mức 4,3 tỷ giạ với năng suất dự báo ở mức 52 giạ/mẫu. Thời tiết tháng 8 rất quan trọng đối với sản xuất đậu tương. Nhiệt độ hạ bớt và những cơn mưa đúng lúc trong thời điểm này có thể mang lại triển vọng tích cực về năng suất. Ngược lại, nhiệt độ cao và lượng mua ở mức thấp sẽ làm giảm tiềm năng sản lượng thu hoạch. Do đó, việc theo dõi thời tiết trong tháng 8 là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới xu hướng trung hạn của giá đậu tương. Những cơn mưa rải rác vào cuối tuần trước và kéo dài sang tuần này mang đến sự mát mẻ nhẹ cho các khu vực trồng trọt chính của Mỹ. Báo cáo Crop Progress hàng tuần của USDA vào sáng mai sẽ cung cấp thông tin về tình trạng cây trồng trước những cơn mưa này và chúng tôi cho rằng chất lượng cây trồng sẽ vẫn duy trì so với báo cáo trước.
Dự báo thời tiết tại Mỹ trong tháng 8 cho thấy khả năng mô hình số về nhiệt độ mát hơn và lượng mưa lan rộng đang chiếm ưu thế và củng cố cho khả năng giá đậu tương đảo chiều, bước vào đợt giảm mới.

Giá Robusta có thể neo ở mức cao khi nguồn cung vẫn ở mức thấp
Kết thúc tuần giao dịch 24/07-30/07, giá cả hai mặt hàng cà phê đều có sự suy yếu. Trong đó, giá Arabica giảm hơn 2% với áp lực chủ yếu từ 2 phiên cuối tuần sau khi chỉ số Dollar Index tăng mạnh sau quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này khiến tỷ giá USD/Brazil Real khởi sắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân. Giá Robusta ghi nhận mức giảm nhẹ hơn nhờ hỗ trợ từ việc nguồn cung cạn kiệt tại Việt Nam.
Tình hình nguồn cung cà phê tại Việt Nam vẫn đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu trên thị trường cà phê Robusta. Vào cuối tuần trước, Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) đã ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 7 của quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất thế giới chỉ ở mức 80.000 tấn, giảm mạnh 32,1% so với cùng kỳ năm trước và con số này cũng chỉ bằng 53% lượng cà phê vận chuyển trong tháng trước. Hơn nữa, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm theo cơ quan này ước tỉnh chỉ gần 1,1 triệu tấn, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, một cơ quan thống kê khác là Tổng cục Hải quan Việt Nam (CUSTOMS) thông báo, trong nửa đầu tháng 7, quốc gia Châu Á này chỉ vận chuyển 31.607 tấn cà phê, giảm 54% so tháng trước và 46% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, lũy kế xuất khẩu tính từ đầu năm đến hết ngày 15/07 cũng thấp hơn 3,78% so với niên vụ trước.
Không chỉ vậy, vấn đề tồn kho Robusta trên Sở ICE đang ở mức thấp nhất trong 7 năm cũng là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đang góp phần hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu Robusta từ phía Brazil cũng phần nào bù đắp những thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường và vơi đi những tác động “bullish” đến giá. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, trong 28 ngày đầu tháng 7 quốc gia này đã vận chuyển được 374.938 bao cà phê Robusta, tăng gấp 2 lần mức 183.417 bao trong 28 ngày đầu tháng 06. Hơn nữa, mức xuất khẩu hiện tại đang cao hơn mức 146.239 bao vận chuyển trong cả tháng 7 năm 2022.

Lực bán kĩ thuật có thể khiến giá đồng gặp sức ép
Trong phiên sáng, giá đồng được hỗ trợ mạnh trong đầu phiên, khi Trung Quốc công bố dữ liệu sản xuất có dấu hiệu cải thiện trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 7 của Trung Quốc tăng nhẹ lên 49,3 điểm từ mức 49 điểm trong tháng 6, cao hơn một chút so với mức 49,2 điểm mà giới phân tích dự báo, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Hơn nữa, tâm lý thị trường trở nên lạc quan sau khi Cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã phát hành một tài liệu bao gồm một loạt chính sách kích thích tiêu dùng của người dân, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp nhẹ. Ngành này đóng góp hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và chiếm 16% giá trị gia tăng công nghiệp quốc gia, là “chìa khóa để ổn định ngành công nghiệp truyền thống”, theo Bloomberg.
Đáng chú ý, văn bản cho biết các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến có thể nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản.
Trước tin tức này, chỉ số HSI của Trung Quốc đã mở cửa gap-up và tăng hơn 3% trong phiên sáng, trong khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ/USD có lúc chạm mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Giá đồng cũng được hỗ trợ nhờ tin tức tích cực này.
Tuy nhiên, lực bán đồng dần áp đảo trong nửa sau phiên sáng, do dữ liệu của China Beige Book chỉ ra tiêu dùng của người dân vẫn còn yếu. Cụ thể, theo kết quả khảo sát trên 1.300 công ty của Trung Quốc được thực hiện từ ngày 20 – 27/7, China Beige Book cho biết người tiêu dùng Trung Quốc cắt giảm chi tiêu cho mọi thứ trong tháng 7, ngoại trừ chi tiêu trong lĩnh vực du lịch và thực phẩm, đồ uống.
Dự báo giá đồng sẽ tiếp tục giằng co và chờ đợi kết quả cuộc họp của các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng với các cơ quan khác thuộc Chính phủ Trung Quốc. Cuộc họp này được tổ chức vào 2h chiều theo giờ Việt Nam và được tổ chức nhằm mục đích bàn luận về các biện pháp mở rộng tiêu dùng.

Giá dầu WTI có thể tiếp tục tăng khi Trung Quốc tăng cường hỗ trợ kinh tế
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với mức giảm nhẹ do lực bán chốt lời trên vùng giá 80 USD/thùng đối với dầu WTI, tuy nhiên đà tăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục khi Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.
Theo China Beige Book, nhà cung cấp dữ liệu có trụ sở tại Mỹ, trong tháng 7, hầu hết mọi lĩnh vực chính đều suy giảm cả về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận so với tháng 6, dẫn đầu là sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất, sản lượng hầu như không tăng so với tháng 6, các đơn đặt hàng trong nước đã chậm lại.
Chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất trong tháng 7 của Trung Quốc nằm ở dưới ngưỡng 50 trong tháng thứ 4 liên tiếp, biểu thị quy mô thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy.
Người dân Trung Quốc kể từ sau đại dịch luôn hạn chế mức chi tiêu, khiến cho lĩnh vực tiêu dùng của quốc gia này yếu kém và kéo theo tăng trưởng kinh tế kém tích cực.
Trong văn bản chỉ đạo của gửi Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, đã công bố hàng loạt các biện pháp khôi phục và mở rộng lĩnh vực tiêu dùng, trong đó hướng trọng tâm về việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực tiêu dùng, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy tiêu dùng dài hạn. Thông tin tích cực này có thể tiếp tục thúc đẩy lực mua đối với các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế, bao gồm dầu thô.
Về mặt nguồn cung, các nhà phân tích cho biết nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng vào tháng 9, kỳ vọng sẽ công bố trong cuộc họp online của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của nhóm OPEC+ vào cuối tuần này ngày 4/8.
Ngân hàng Goldman Sachs đã ước tính nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7, đồng thời điều chỉnh tăng nhu cầu năm 2023 thêm khoảng 550.000 thùng/ngày, dẫn đến thâm hụt khoảng 1,8 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm nay.

 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc