menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 05/10/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:17 05/10/2021

 
Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 05/10/2021.
Diễn biến giằng co có thể sẽ tiếp tục xảy ra đối với lúa mì trong phiên hôm nay
Lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang giảm trở lại sau chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Yếu tố hỗ trợ chính cho giá vẫn là dư âm từ số liệu trong báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý. Nguồn cung của lúa mì thế giới vốn đã bị thắt chặt do thiệt hại gây ra bởi hạn hán ở các quốc gia sản xuất chính, giờ tồn kho ở Mỹ lại bất ngờ giảm xuống là lí do đủ mạnh để giúp giá lúa mì trải qua thêm một nhịp tăng nữa.
Trong phiên hôm qua, mặc dù lúa mì vẫn thể hiện là mặt hàng mạnh nhất khi nhanh chóng lấy lại sắc xanh và nỗ lực chạm tới mức kháng cự 763 nhưng giá đóng cửa lại mất đi phần lớn mức tăng trước đó. Điều này cho thấy có thể lực mua đối với lúa mì ở vùng giá cao này đang yếu dần và đà tăng sẽ khó duy trì được cho tới hết phiên hôm nay.
Tuy nhiên, với những yếu tố cơ bản về nguồn cung đang hỗ trợ mạnh hiện tại thì cho dù suy yếu hơn thì lúa mì cũng không đảo chiều và giảm mạnh ngay mà sẽ chỉ giằng co và lình xình ở mức cao, ít nhất là tới trước khi Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo Cung – cầu tháng 10.
Khánh Linh
 
Lực bán kỹ thuật có thể tiếp tục khiến giá Arabica giảm, giá Robusta khó bứt phá khỏi khu vực đi ngang
Kết thúc phiên 4/10, giá của hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Hợp đồng Arabica tháng 12 giảm gần 2% còn 200.35 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 11 giảm gần 1% còn 2148 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở hiện ở mức 51% chiết khấu cho giá Robusta.
So với diễn biến có phần trầm lắng của thị trường Robusta, thị trường Arabica khá sôi động trong phiên hôm qua. Giá giảm ngay từ đầu phiên, rồi bật tăng mạnh lên 207 cents/pound, tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh khiến giá không giữ được ở mức này đến lúc đóng cửa. Việc đà tăng của thị trường cà phê Arabica chững lại không quá bớt ngờ đối với các nhà đầu tư, khi những tin tức hiện tại là không đủ để đưa giá vượt qua mức 200 cents/pound. Diễn biến của các thị trường phản ánh nhiều yếu tố đầu cơ hơn so với các quy luật cung cầu thông thường. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy khả năng rất lớn, các khu vực trồng cà phê chính ở miền Nam Brazil như Minas Gerais và Sau Paulo đều sẽ có mưa từ thứ tư tuần này (06/10). Nỗi lo thời tiết được giải tỏa, cộng hưởng với việc đồng nội tệ Brazil liên tục suy yếu có thể khiến giá Arabica khó lấy lại đà tăng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá các mặt hàng kim loại khó có thể tăng trong hôm nay
Các mặt hàng kim loại kết thúc phiên hôm qua với diễn biến trái chiều. Trong khi bạch kim tiếp tục giảm 1.23% còn 961.6 USD/ounce, giá đồng tăng 1.2% lên 4.23 USD/pound.
Điểm chung giữa hai kim loại này là đều mang tính ứng dụng cao trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Do đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang lây lan trên diện rộng trên toàn cầu trong thời gian gần đây đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ của hai kim loại này sụt giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, “quả bom nợ” Evergrande không chỉ ảnh hưởng tới giá đồng, mà cũng gián tiếp ảnh hưởng tới giá bạch kim. Mảng sản xuất xe điện Evergrande NEV đang phải “trả giá” từ những khủng hoảng của công ty mẹ, khiến cho rất nhiều công ty đối tác bị vạ lây và phải tạm ngừng sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy. Hãng xe điện NEVS của Thụy Điển đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không được tập đoàn Evergrande hỗ trợ tài chính nữa. Đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, một mặt trái trong cuộc đua năng lượng xanh, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chịu chi phí lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng ô tô trên toàn cầu.
Doanh số bán lẻ trong tháng 9 của Mỹ cũng đã sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm, kể từ tháng 4/2020. Đây là tin tức rất tiêu cực đối với giá bạch kim bởi 40% lượng bạch kim trên toàn cầu mỗi năm được dùng trong ngành sản xuất ô tô.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Đà tăng của dầu sẽ tiếp diễn khi các nhà sản xuất hạn chế gia tăng sản lượng
Giá dầu tăng mạnh ngày hôm qua khi OPEC+ giữ nguyên chính sách sản lượng thân trọng của nhóm. Kết thúc phiên giao dịch, WTI tăng 2.29% lên 77.62 USD/thùng, trong khi Brent tăng 2.5% lên 81.26 USD/thùng, chính thức vượt qua cột mốc 80 USD/thùng.
Quyết định của OPEC+ một lần nữa báo hiệu kỷ nguyên dư thừa nhiên liệu đã chấm dứt. Vấn đề không nằm ở dự trữ thực tế, mà do các thay đổi ở ngành công nghiệp khai thác. Trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi giá dầu tăng, các công ty sản xuất đều nhanh chóng gia tăng sản lượng để tranh thủ lợi nhuận.
Tuy nhiên hiện tại, cả các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ lẫn OPEC+ đều không có phản ứng nào, mặc dù giá dầu đã tăng đến hơn 56% so với đầu năm. Theo ước tính của The Economist, mặc dù lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2021, tuy nhiên chi phí tài sản cố định của các công ty xăng dầu trong năm 2022 sẽ tiếp tục giảm 9%. Thay vì khai thác các giếng dầu mới, các tập đoàn như Exxon hay Shell lại tăng chia cổ tức. Trong khi đó, các công ty mỏ được kỳ vọng sẽ tăng khai thác các mỏ mới sau khi hưởng lợi từ đà tăng mạnh từ đà tăng từ chu kỳ của thị trường hàng hoá trong nửa đầu năm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc