menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 10/3/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:26 10/03/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 10/3/2022.
Giá ngô có khả năng sẽ chỉ biến động giằng co khi thị trường tiếp tục phản ứng với các số liệu trong báo cáo Cung cầu tháng 3
Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/03, giá ngô đang hồi phục trở lại từ mốc hỗ trợ 730. Sau báo cáo Cung – cầu tháng 3 được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào tối hôm qua, giá đã giảm mạnh, một phần là theo lực bán từ lúa mì. Trong phiên hôm nay, thị trường sẽ tiếp tục phản ánh các số liệu và điều này cũng lý giải cho diễn biến trái ngược nhau của ngô và lúa mì khi mở cừa.
Yếu tố được đón chờ nhất trước báo cáo là triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ. Cụ thể, nếu như sản lượng ngô ở Brazil vẫn được duy trì thì USDA đã hạ dự báo sản lượng ở Argentina từ mức 54 xuống còn 53 triệu tấn. Mặc dù không quá thắt chặt như dự đoán của thị trường hay ước tính của các hãng tin trước đó, nhưng những số liệu này cũng hợp lý đối với sự thận trọng thường thấy trong quyết định cắt giảm số liệu của USDA. Mặc dù mùa vụ của cả 2 nước đều trải qua giai đoạn hạn hán nghiêm trọng trong vài tháng trước nhưng mức độ ảnh hưởng tới cây trồng lại khác nhau. Trong khi hầu hết các khu vực gieo trồng ở Argentina đều bị sụt giảm chất lượng, thì chỉ có khu vực phía nam của Brazil bị ảnh hưởng.
Khánh Linh
 
Căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt sẽ đem đến triển vọng tiêu thụ cà phê tích cực
Thị trường cà phê ngày 09/03 đóng cửa trái chiều nhau, trong đó giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm 1.5% xuống còn 229.3 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU tăng 1.1% lên mức 2117 USD/tấn.
Tại quốc gia xuất khẩu Arabica số 1 thế giới là Brazil, dự báo thời tiết cho thấy những cơn mưa sẽ đổ bộ vào các khu vực trồng chính của quốc gia này trong vài ngày tới, từ đó giúp cải thiện tình trạng đất sau những đợt khô hạn trước đó. Thông tin này giúp xoa dịu những lo ngại về nguồn cung và kìm hãm đà hồi phục của giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên xét về dài hạn, LaNina sẽ còn tiếp tục xuất hiện từ tháng 3 cho đến tháng 5 tại 2 nước sản xuất chính là Brazil và Colombia, do đó giá vẫn có động lực để tăng trở lại. Sản lượng cà phê niên vụ 22/23 của Brazil được dự báo sẽ đạt mức thấp thứ 2 trong tổng cộng 9 năm được mùa gần nhất do ảnh hưởng từ khô hạn và sương giá của tháng 7 năm ngoái.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE ngày 09/03 tăng hơn 8,800 bao lên mức 1,001,144 bao. Kể từ cuối tháng 2 cho đến nay, tồn kho Arabica không còn giảm quá mạnh mà chủ yếu dao động xung quanh mức 1 triệu bao.
Hà Linh
 
Giá đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực do ảnh hưởng từ thị trường châu Âu
Lực bán chốt lời sau khi đồng thách thức mức giá kỷ lục đầu tuần, kết hợp với vị thế mua bị buộc phải cắt lỗ trong ngày hôm qua khiến giá đồng giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giảm 2.92% xuống 4.5725 USD/pound.
Diễn biến hiện tại của thị trường đồng tương đối giống giai đoạn tháng 10/2021. Áp lực từ vùng giá 4.7 USD/pound phần nào kích hoạt một loạt các vị thế bán mới và đẩy giá xuống vùng 4.3 USD/pound. Khả năng cao kịch bản tương tự sẽ diễn ra trong tuần này, khiến giá tiếp tục giảm. Bên cạnh các tín hiệu tiêu cực về nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc, biểu hiện qua các số liệu lạm phát đầu ra CPI và lạm phát đầu vào PPI hôm qua, một khu vực nữa cũng đang chịu sức ép là châu Âu.
Châu Âu là khu vực tiêu thụ đồng lớn thứ 2, sau châu Á. Với vai trò là một trong các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của quốc tế, mỗi năm khu vực này tiêu thụ khoảng 16% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, áp lực về chi phí đầu vào có thể cản trở lượng đồng tiêu thụ trong năm nay. Châu Âu hiện đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của diễn biến trên thị trường năng lượng hiện tại, với giá điện trong đầu năm 2022 đã tăng gấp 4-5 lần so với mức trung bình hàng năm.
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô vẫn còn dư địa phục hồi trong tuần, bất chấp phản ứng mạnh của thị trường hôm qua
Giá dầu lao dốc trong phiên hôm qua, và kết thúc với mức giảm kỷ lục trong phiên do một loạt các yếu tố mới xuất hiện trên thị trường. Cụ thể, giá WTI giảm 12.13% xuống 108.7 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 13.16% xuống 111.14 USD/thùng.
Mức giảm trong phiên hôm qua còn mạnh hơn phiên 26/11, ngày “Black Friday” của thị trường khi biến thể Omicron xuất hiện. Điểm khác biệt là hiện tại giá vẫn nằm ở mức đỉnh 10 năm, trên 100 USD/thùng. Vẫn chưa có số liệu chính thức nào về mức độ sụt giảm thực tế của khối lượng xuât khẩu dầu của Nga, và trước mắt Mỹ vẫn cho các công ty thời hạn 45 ngày để giải quyết các đơn đặt hàng từ Nga. Do đó, chưa thể đánh giá chính xác được tổn thất thực tế đến nguồn cung dầu thế giới trong tháng 3. Vì vậy, các bước tiến ban đầu trong nỗ lực gia tăng nguồn cung, như một vài phát biểu của UAE, hay cuộc đối thoại giữa Mỹ và Venezuela cũng đủ tạo ra phản ứng mạnh. Thực tế, lịch sử đã cho thấy các giải pháp này không dễ đạt được thành công. Đàm phán với OPEC+ đã được tiến hành kể từ khi giá chỉ tiệm cận mức 80 USD/thùng, trong khi đối với Venezuela, không gì đảm bảo các cuộc nói chuyện sẽ không kéo dài gần 1 năm giống như Iran.
Hồng Hoa 

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc