Đà tăng của giá đậu tương đang chững lại trước các thông tin về triển vọng nguồn cung Nam Mỹ
Giá đậu tương mở cửa phiên 12/11 đang tiếp tục đà tăng từ phiên trước đó và chạm mức cao nhất trong phiên hôm qua. Đà tăng của đậu tương so với lúa mì và ngô đang có phần yếu hơn mặc dù đây là mặt hàng có các số liệu “bullish” bất ngờ nhất trong báo cáo Cung – cầu tháng 11.
Tuy nhiên, đà hồi phục của mặt hàng này vẫn đang khá vững, nếu so với tâm lí hưng phấn trong phiên và cuối phiên bị thu hẹp đáng kể của ngô và lúa mì. Hiện tại, các thông tin tích cực về triển vọng mùa vụ đang xuất hiện và hạn chế đà tăng của giá. Chính vì thế nên xu hướng tăng trong tuần này sẽ dễ được đẩy mạnh hơn khi mà thị trường vẫn đang phản ứng với các số liệu trong báo cáo.
Trong khi đó, các thông tin về triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ vẫn đang lần lượt xuất hiện và tác động “bearish” tới giá. Hoạt gieo trồng ở Brazil đang được nông dân thực hiện nhanh chóng, đảm bảo cây trồng phát triển trong thời tiết phù hợp.
Trên cơ sở đó, CONAB cũng vừa tăng mức sản lượng ước tính của nước này lên 142.01 triệu tấn từ mức 140.75 triệu tấn và cao hơn nhiều so với mức 137.32 triệu tấn trong năm ngoái. Trong khi đó ở Argentina, hoạt động gieo trồng cũng đạt mức trung bình các năm làm giảm bớt lo ngại về ảnh hưởng của La Nina trong vài tuần trước đó.
Khánh Linh
Thời tiết bất lợi ở Tây Nguyên có thể vẫn sẽ tác động tích cực đến giá cà phê trong phiên cuối tuần
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11, giá cà phê trên 2 Sở đồng loạt tăng mạnh hơn 3%. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giá Robusta kỳ hạn tháng 01 trên Sở ICE EU tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Thời tiết tại Tây Nguyên vẫn đang được dự báo sẽ có mưa rào và dông nhiều nơi. Trong cơn dông thường xảy ra lốc và gió giật mạnh, có thể làm rụng các quả cà phê chín sớm. Trong khi đó nếu mưa rào tích tụ có thể gây lũ lụt, ảnh hưởng đến năng suất của các cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Nhìn chung, mưa lớn ở thời điểm hiện tại gây ra nhiều lo ngại đối với mùa vụ năm nay. Bên cạnh đấy, dịch bênh tiếp tục có dấu hiện bùng phát trở lại với số ca nhiễm mới đã quay lại gần mức 10,000 ca/ngày trên cả nước, có thể sẽ khiến các hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn như giai đoạn cách đây 2 tháng. Đây vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Đối với cà phê Arabica, thời tiết thuận lợi tại Minas Gerais thời gian gần đây đang là yếu tố hạn chế đà tăng và khiến giá chưa chạm được lên mức đỉnh gần nhất hồi cuối tháng 07 vừa rồi. Giá cả 2 mặt hàng cà phê đều đã tăng hơn 5% kể từ đầu tuần đến nay, qua đó có thể khiến tâm lý chốt lời gia tăng. Tuy nhiên, kịch bản này có thể khả dĩ với cà phê Arabica nhiều hơn và có thể khiến giá diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần.
Tiên Phạm
Giá đồng có thể sẽ tiếp tục duy trì khoảng đi ngang với biên độ rộng trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11, giá đồng bật tăng mạnh gần 2%, xóa đi mức giảm tích lũy trong 2 phiên trước đó. Giá đồng hiện vẫn đang lình xình đi ngang trong khoảng rộng, với các biến động khá bất thường.
Chênh lệch giữa giá giao ngay và giá trên thị trường tương lai của đồng LME đã tăng vọt lên mức kỉ lục hơn 1,100 USD / tấn vào giữa tháng 10 trong khi tồn kho đồng giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá mặt hàng này.
Tuy nhiên, mức giá cao cũng đang hạn chế nhu cầu khi mới đây nhà sản xuất Codelco của Chile đã đề nghị mức giá giao dịch hàng thực cao hơn 105 USD/tấn so với giá trên sàn LME kỳ hạn năm sau. Điều này đã khiến cho các khách hàng từ Trung Quốc mặc dù vẫn chấp nhận nhưng cũng có dấu hiệu đã vượt quá mức giá sẵn lòng chi trả. Chính vì thế nên trong thời gian tới, giá đồng khó có thể tiếp tục tăng mạnh mà sẽ chỉ biến động giằng co trong khoảng đi ngang.
Tiên Phạm
Dầu thô sẽ duy trì các phiên giao dịch giằng co khi thị trường chưa quyết định được hướng đi mới
Giá dầu tiếp tục giằng co trong phiên giao dịch hôm qua, tuy nhiên lực mua gia tăng khi chứng khoán Mỹ mở cửa giúp cho phe mua chiếm ưu thế trong phiên tối và đẩy giá tăng nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.45%% lên 80.42 USD/thùng, giá Brent tăng 0.28% lên 82.87USD/thùng.
Một trong các yếu tố chính ảnh hưởng đến diễn biến giá hiện giờ chính là khả năng các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, tiêu biểu là Mỹ, can thiệp vào nguồn cung dầu. Điều này lại phụ thuộc vào “ngưỡng chịu dựng” của nước Mỹ đối với giá cả tăng mạnh trong năm 2021.
Có 2 cách nhìn về vấn đề này, thứ nhất là GDP trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt 22,570 tỷ USD, tăng 28% so với cùng thời điểm giá dầu tăng lên mức 80 USD/thùng trong năm 2014. Trong khi đó, mức độ tiêu thụ năng lượng nói chung trong tổng GDP của Mỹ ngày càng giảm, khi dịch vụ ngày càng chiếm vai trò lớn trong nền kinh tế thay vì ngành sản xuất truyền thống.
Mặt khác, giá năng lượng lại là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 31 năm. Mặc dù tiền lương danh nghĩa dành cho người lao động đã tăng, tuy nhiên sao khi xét với lạm phát, tiền lương thực tế lại giảm 0.6% so với năm 2019, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Peterson (PIIE). Điều này sẽ khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV