menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 13/7/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:35 13/07/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 13/7/2021.
Lo ngại về nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu vẫn đang hỗ trợ tích cực cho giá dầu đậu tương
Hầu hết đà tăng của các mặt hàng trong nhóm đậu tương đều đã chững lại trong phiên sáng nay. Giá đậu tương hầu như đi ngang với biên độ hẹp quanh vùng giá 1350. Trong khi đó, giá dầu đậu tương vọt lên vào đầu phiên nhưng lực bán kỹ thuật ở vùng giá tròn 63 cents đã làm giảm bớt sự hưng phấn của thị trường. Mặc dù vậy, mặt hàng này vẫn giữ được mức tăng nhẹ 0.5% và khiến áp lực bán dồn sang giá khô đậu tương, khiến giá giảm nhẹ với cùng biên độ tương ứng.
Hiện tại thì diễn biến của giá dầu đậu tương vẫn đang có tác động dẫn dắt chính. Giá hợp đồng kỳ hạn dầu hạt cải tại Canada đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục, khi mà nước này phải hứng chịu đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong vài chục năm trở lại đây, ảnh hưởng lớn đến mùa vụ cây cải dầu đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Dầu hạt cải đứng thứ 3 trong số các loạt dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất, chỉ sau dầu cọ và dầu đậu tương. Vì thế mức tăng của mặt hàng này đã tác động “bullish” mạnh cho các mặt hàng thay thế trên.

Quay trở lại với đậu tương, mặc dù phần lớn khu vực gieo trồng nhận được lượng mưa nhiều hơn trung bình trong tuần trước, nhưng theo đánh giá của USDA, chất lượng mùa vụ đậu tương vẫn chỉ duy trì ở mức 59% tốt – tuyệt vời, thấp hơn 1% so với dự đoán của thị trường. Tỉ lệ thiếu hụt độ ẩm tầng đất mặt ở bang Illinois – bang có sản lượng đậu tương đứng đầu cả nước – tăng từ 16% lên 21%, trong khi tỉ lệ chung giảm xuống. Bên cạnh đấy, mặc dù độ ẩm được cải thiện nhưng mức độ thiếu hụt tại Iowa và Minnesota vẫn đang khá nghiêm trọng, với lần lượt là 40% và 76%. Đây là nguyên nhân chính khiến mức chất lượng không tăng và sẽ là yếu tố “bullish” với giá đậu tương, khiến giá khó có thể giảm sâu về dưới mức 1350 ở thời điểm hiện tại.

Ở hướng ngược lại, USDA giảm mạnh 3.0 triệu tấn đối với dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 20/21 của Brazil do nhu cầu Trung Quốc yếu đi, cùng với 2.65 triệu tấn đối với xuất khẩu của Argentina do các vấn đề gián đoạn tại cảng biển, đang gây ra sức ép và khiến đậu tương không còn duy trì được đà tăng.
Trong bối cảnh thị trường không còn nhiều thông tin cơ bản dẫn dắt, giá có khả năng sẽ đi theo các chỉ báo về mặt kỹ thuật. Giá đậu tương và dầu đậu tương vẫn đang trong 1 xu hướng tăng ngắn hạn sau khi điều chỉnh mạnh hồi giữa tháng 6, vì thế xác suất để các mặt hàng này test lại các mốc kháng cự tâm lý quan trọng trong thời gian tới đang có phần nhỉnh hơn.
 
Giá Cà phê Robusta có thể gặp áp lực chốt lời trong phiên hôm nay
Đóng cửa phiên giao dịch 12/7, giá Cà phê Arabica bật tăng 1.65% lên 154 cents/pound, trong khi giá Robusta lập đỉnh mới nhưng đóng cửa ở mức bằng với giá tham chiếu của phiên trước đó, 1744 USD/tấn.
Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil cho biết xuất khẩu Cà phê trong tháng 6 cao hơn 0.37% so với cùng tháng năm ngoái, đạt tổng cộng 2.73 triệu bao. Trong đó 2.34 triệu bao là Cà phê Arabica, tăng 12.50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Cà phê Robusta giảm 40% còn gần 400,000 bao.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 10.3%, doanh thu xuất khẩu Cà phê cũng thấp hơn 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chênh lệch giá hợp đồng Cà phê tháng 9 giữa hai sàn giảm nhẹ còn 48.6% chiết khấu cho giá Robusta. Đây vẫn là mức chênh lệch đủ hấp dẫn đối với cho các nhà kinh doanh và rang xay Cà phê Robusta.
Nếu như giá Cà phê Arabica đang có dấu hiệu điều chỉnh tăng trong tuần này, thì động lực mua vào của Cà phê Robusta cũng không còn quá mạnh, các nhà đầu tư cần cẩn thận trước áp lực chốt lời trong phiên hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica tăng mạnh trong phiên hôm qua, và đã hồi về qua vùng 38.2 của Fibonacci. Trong hôm nay, có thề giá sẽ test lại mức 156 cents/pound (tương đương với Fibonacci 50). Để khôi phục lại chu kì tăng, giá tối thiểu cần phải vượt qua vùng cản này.

Đối với Cà phê Robusta, lực mua đưa lập đỉnh mới trong phiên nhưng giá đóng cửa bằng với phiên hôm trước và tạo thành mô hình nến Shooting star, nằm trên đỉnh của xu hướng tăng. Đây có thể là tín hiệu đảo chiều, trong phiên hôm nay giá Robusta được dự đoán sẽ test lại vùng hỗ trợ 1700 USD/tấn.
 
Các Chính phủ đẩy mạnh năng lượng xanh bất chấp giá dầu tăng
Mặc dù giá dầu tăng liên tục từ đầu năm khi nhu cầu nhiên liệu và dầu thô trên thế giới dần phục hồi từ tác động của COVID-19, các chương trình đẩy mạnh năng lượng xanh trên thế giới khiến các công ty tại Mỹ và châu Âu không hào hứng với việc gia tăng sản lượng. Điều này khiến cho nguồn cung dầu trên thế giới ngày càng bó hẹp, tiếp tục đẩy giá dầu lên cao.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi OPEC+ đưa ra phương án mang tính thoả hiệp, với ý muốn thúc đẩy các nước gia tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt giá, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục ban hành các chính sách góp phần cản trở gia tăng sản lượng tại Mỹ. Sau khi toà án bác bỏ lệnh cấm các hợp đồng cho thuê dầu khí mới, chính quyền Biden mới đây tiếp tục đưa ra dự thảo hạn chế việc bán quyền khoan dầu cũng như tăng mức thuế khai thác. Các rào cản về giấy phép cũng như chi phí tài chính có thể sẽ tiếp tục cản trở công ty dầu khí Mỹ gia tăng sản lượng, ít nhất là trong năm nay.
Trong khi đó, EU đang thúc đẩy cải cách lớn với Chương trình Thương mại (ETS) kể từ khi bắt đầu vào năm 2005. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày mai sẽ ban hành luật nhiên liệu xanh cho vận chuyển của EU. Quy định này sẽ buộc các doanh nghiệp phát thải nặng như hàng không, tàu biển phải mua giấy phép cac-bon hoặc chuyển dần sang sử dụng các phương tiện chạy bằng nhiên liệu sạch. Bên cạnh đó, EU dự kiến sẽ thúc đẩy kế hoạch định giá cac-bon đối với hàng nhập khẩu trong năm 2023 để tránh trường hợp các công ty chuyển sang hoạt động tại nước ngoài để tránh phí cac-bon tại châu Âu. Dự luật này sẽ đẩy giá cac-bon lên cao, với nhiều người dự đoán gía có thê đạt 60 Euro/tấn trong cuối năm. Trong khi đó, trước khi COVID-19 diễn ra năm 2020, cac-bon tại ETS chỉ giao dịch ở mức 20 Euro/tấn.

Việc thúc đẩy các nguồn năng lược sạch sẽ khiến cho đầu tư vào khai thác và phát triển nguyên liệu hoá thạch như dầu thô bị hạn chế, cản trở sản lượng tăng trở lại và hỗ trợ đà tăng của giá.
Giá dầu sáng nay tăng nhẹ trở lại và đang test lại mức 74.3 USD/thùng. Tuy nhiên, biên độ dao động khá nhỏ khi thị trường chờ đợi báo cáo chiều nay của IEA lúc 15h00. Nếu báo cáo đưa ra nhận định tốt về xu hướng thị trường trong thời gian tới, giá sẽ có đà để vượt qua mức 75 USD/thùng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc