menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 16/12/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

18:03 16/12/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 16/12/2022.
 
Nguy cơ mùa vụ ở Argentina tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn sẽ tác động “bullish” đối với giá lúa mì
Mặc dù lực mua không mạnh mẽ như trong phiên hôm qua nhưng giá lúa mì vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên sáng nay. Như chúng tôi dự đoán, lo ngại về mùa vụ ở một số nước sản xuất lớn đã đóng vai trò là yếu tố “bullish” khá mạnh đối với lúa mì, đặc biệt là khi giá đã quay trở lại vùng trước khi chiến tranh xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc những lo ngại hay ảnh hưởng từ các hoạt động chiến sự tới nguồn cung ở Biển Đen đã hoàn toàn bị xóa bỏ.
Thời tiết khô hạn ở Argentina gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa vụ cây trồng chính tại nước này là những thông tin mà thị tường đã tiếp nhận trong suốt gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, tình hình cây trồng và thời tiết vẫn tiếp tục xấu đi mà không ghi nhận sự cải thiện đáng kể nào. Vụ lúa mì năm nay của Argentina cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và sương giá cuối mùa. Nếu như ngô và đậu tương vẫn đang ở trong giai đoạn gieo trồng và mùa vụ vẫn có thể hồi phục trở lại nếu như tiến độ cuối giai đoạn được đẩy nhanh thì mùa vụ lúa mì đã xác nhận những ảnh hưởng rõ ràng hơn. Theo BAGE, mới chỉ có khoảng 53.8% trong tổng số 12.4 triệu tấn lúa mì ước tính cho niên vụ 22/23 được thu hoạch, thấp hơn tới 10 triệu tấn so với cùng kỳ niên vụ trước.
Thời tiết bất lợi này chính là ảnh hưởng từ mô hình La Nina xuất hiện trong năm thứ 3 liên tiếp với nhiệt độ thấp hơn ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương đã dẫn đến nắng nóng và hạn hán trên khắp Argentina và đang tiếp tục lan xa hơn về phía bắc đến tận miền nam Brazil. Cho đến cuối tháng 12, mô hình này vẫn được dự báo sẽ không thay đổi và điều kiện cây trồng sẽ tiếp tục giảm. Xét về tình hình nguồn cung ở các nước sản xuất hiện tại, mùa vụ ở Argentina đang là mối bận tâm lớn nhất đối với thị trường. Với vị thế là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 7 thế giới thì thông tin trên sẽ hạn chế xu hướng giảm mạnh của giá. 

Thông tin cơ bản thiên hướng tác động “bullish”, giá Arabica trong phiên hôm nay khả năng cao nối tiếp xu hướng tăng
Kết thúc phiên giao dịch 15/12, cả 2 mặt hàng cà phê đều bật tăng mạnh. Bất chấp việc Conab tăng ước tính sản lượng cà phê năm 2022, trái ngược với dự đoán của thị trường, giá Arabica có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần. Những lo ngại về chất lượng cà phê tại Việt Nam trong đợt thu hoạch hiện tại vẫn là yếu tố hỗ trợ giúp giá duy trì xu hướng tăng.
Vấn đề nguồn cung trong niên vụ tới tại Brazil vẫn chưa có xu hướng rõ ràng. Một mặt các chuyên gia vẫn đưa ra những triển vọng hết sức tích cực với mức sản lượng cao hơn năm hiện tại, dù cho năm đến là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm một lần tại Brazil. Theo đó, phần lớn các hãng phân tích như Hedgepoint, Spillingthebeans và Pine Agronegócios đều dự đoán sản lượng giao động trong khoảng 50 – 56 triệu bao, đặc biệt là Robobank với mức dự báo 68.6 triệu bao, cao hơn rất nhiều mức so với sản lượng trong niên vụ hiện tại. Điều này thể hiện sự lạc quan nhất định của thị trường đối với nguồn cung tại nước xuất khẩu số 1 thế giới và gây áp lực lên giá.
Mặt khác, những diễn biến về mặt thời tiết gần đây lại đưa đến những kịch bản trái ngược với dự đoán của giới phân tích. Theo đó, những cơn mưa đá bất chợt đã hủy hoại lượng lớn cây cà phê, với hơn 50,000 ha chịu ảnh hưởng, có thể khiến sản lượng suy yếu. Cùng với đó, dự báo lượng mưa trên mức trung bình khoảng 150 mm đổ bộ vào Minas Gerais trong 1 tuần tới có thể gây ra hiện tượng ngập úng cho cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển. Từ đó khiến nguồn cung có nguy cơ suy yếu và là yếu tố hỗ trợ giá.
Tồn kho cà phê nhân tại các cảng của Mỹ tăng 70,267 bao vào cuối tháng 11 lên 6.39 triệu bao. Đây là đợt tăng dự trữ đầu tiên sau 2 tháng giảm liên tiếp của quốc gia tiêu thụ Arabica lớn nhất thế giới. Tuy vậy, đây vẫn là con số tương đối thấp so với mức 7.5 triệu bao trong năm 2019. 

Rủi ro trên thị trường đồng ra tăng do ảnh hưởng từ các tin tức trái chiều
Giá đồng hồi phục nhẹ trong sáng nay nhờ sức mua ở vùng hỗ trợ và sự suy yếu nhẹ của đồng USD.
Hiện giá đồng đang chịu nhiều sức ép từ sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, Châu Âu, một thị trường tiêu thụ đồng lớn cho lĩnh vực năng lượng xanh, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và sự sụt giảm của các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng mức lãi suất cao, cộng với những khó khăn vì lạm phát sẽ khiến cho nền kinh tế của khu vực châu Âu khó có thể tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhất định trong giọng điệu phát ra từ hai cơ quan tiền tệ châu Âu. Điều này cũng làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ đồng.
Thị trường đồng vẫn duy trì đi ngang từ đầu tháng 12 đến nay mà chưa thể bứt phá, bởi phần lớn các yếu tố hỗ trợ cho giá đều là kỳ vọng và mang tính dài hạn, trong khi đó, thị trường vẫn còn phải đối mặt với nhiều tin tức tiêu cực.
Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs một lần nữa khẳng định triển vọng đối với thị trường hàng hóa trong năm 2023. Các nhà phân tích cho biết tình trạng thiếu nguồn cung và đầu tư không đủ vào nguồn cung mới sẽ là chất xúc tác chính cho thị trường, đồng thời kỳ vọng chỉ số hàng hóa S&P GSCI sẽ đạt mức lợi nhuận 43% vào năm tới.

Áp lực vĩ mô có thể tiếp tục gây sức ép tới giá dầu khi thị trường vắng bóng tin tức cung cầu

Dầu thô đang tiếp tục gặp lực bán và nhiều khả năng đà giảm sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay trong bối cảnh yếu tố vĩ mô tiêu cực và vắng bóng các tin tức cung – cầu cơ bản.
Nối tiếp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày hôm qua. Nhưng quan trọng hơn, chủ tịch ECB đã phát đi các tín hiệu khá “diều hâu” về con đường thắt chặt tiền tệ phía trước. Kể từ đầu quý II năm sau, ECB sẽ cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán trung bình 15 tỷ euro (15,9 tỷ USD) mỗi tháng cho đến cuối quý 2 năm 2023, như vậy, tương đương với việc ECB sẽ để cho gần 50 tỷ USD trái phiếu đáo hạn mà không tái đầu tư. ECB đang dự báo lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu trong thời hạn 3 năm, đồng nghĩa với quá trình thắt chặt tiền tệ tại khu vực này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khá lâu và rủi ro suy thoái đi kèm có thể gây áp lực tới nhu cầu tiêu thụ dầu tại khu vực này.
Động lực thúc đẩy tiêu thụ dầu hiện tại sẽ là hi vọng sự phục hồi của Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này nhiều khả năng sẽ phải trải qua một giai đoạn bùng dịch trên diện rộng do các chính sách nới lỏng kiểm soát, trước khi có thể bình thường hoá tiến trình này. Sự bùng phát đang diễn ra tại Bắc Kinh với sự quá tải bệnh nhân từ các bệnh viện, các cửa hàng đóng cửa, nhiều người dân cách ly tại nhà, các nhà máy thiếu nhân lực và dịch vụ chậm trễ. Tình trạng tắc nghẽn trong thành phố, nơi có số lượng đăng ký xe hơi cao nhất trên toàn quốc, đã giảm xuống còn khoảng 1/3 so với mức tháng 1/2021. Số lượng hành khách trung bình hàng ngày trong tuần này gần mức thấp nhất kể từ thời điểm Bắc Kinh bị phong tỏa một phần để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.
Tình hình di chuyển và hoạt động kinh tế gián đoạn sẽ là yếu tố “bearish” cho thị trường dầu trong phiên hôm nay bên cạnh các sức ép từ vĩ mô.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc